Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng xây trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài đòi hỏi chi phí lớn song khó phát huy hiệu quả.
Sáng 8/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Một trong các nội dung quan trọng của chương trình là “nghiên cứu đầu tư xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài”, đáp ứng đối ngoại và phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng để phát triển văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, không nhất thiết xây trung tâm văn hóa. Hàn Quốc không có trung tâm nào ở Việt Nam song người Việt rất quen thuộc với văn hóa, đất nước, ẩm thực của đất nước này. Các quốc gia đưa văn hóa ra khắp thế giới nhờ các sản phẩm, truyền thông, phim ảnh, hiệu quả hơn so với xây dựng trung tâm văn hóa.
“Cần nghiên cứu và cân nhắc kỹ bởi đây là chính sách đầu tư rất tốn kém. Trong khi phát triển văn hóa không phải cứ đầu tư nhiều, chi nhiều tiền mới hiệu quả”, ông nói.
Lấy ví dụ phố cổ Hội An ở Quảng Nam, ông Mẫn nhấn mạnh rằng địa phương không cần phải đầu tư quá nhiều tiền để thu hút du khách. Dù vậy, Hội An vẫn trở thành một điểm đến nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách quốc tế đến tham quan, ăn uống và nghỉ ngơi. “Tôi tin rằng ở nước ta có rất nhiều nơi như phố cổ Hội An”, ông Mẫn nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cho biết hiện Việt Nam đã có hai trung tâm văn hóa ở Pháp và Lào, song quá trình hoạt động đã bộc lộ một số hạn chế. Cơ chế vận hành và duy tu bảo dưỡng các công trình gặp vướng, đặc biệt là liên quan đến chính sách đầu tư công. Các tòa nhà di sản của các quốc gia quy trình duy tu bảo dưỡng rất phức tạp và đắt đỏ.
Theo ông, các Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở nước ngoài có vai trò quảng bá văn hóa, nâng cao vị thế quốc tế và thúc đẩy hợp tác kinh tế. Tuy nhiên, để các trung tâm này hoạt động hiệu quả thì phải có cơ chế quản lý đặc thù. Việc lựa chọn và thiết kế các tòa nhà cũng cần được xem xét kỹ lưỡng để thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa Việt Nam.
Đề nghị thu gọn mục tiêu
Thứ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng, giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng. Chương trình có 7 mục tiêu tổng quát gồm hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam; nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa; huy động sự tham gia của xã hội vào quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản.
Chương trình cũng hướng đến đưa văn hóa trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân; xây dựng nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, chất lượng cao; phát huy tính dân tộc, tính khoa học, tính đại chúng của văn hóa; hội nhập quốc tế và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng mục tiêu chương trình vẫn đang dàn trải và nhiều ngành văn hóa không cần đầu tư quá nhiều ngân sách. “Cần tập trung vào công nghiệp văn hóa để tăng nguồn thu, lấy văn hóa nuôi văn hóa”, ông nói.
Để sử dụng hiệu quả nguồn lực, ông đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần rà soát các dự án xây dựng công trình văn hóa và chỉ ưu tiên những dự án thực sự cần thiết, mang lại hiệu quả cao, tránh tình trạng “xây xong rồi bỏ không”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh đánh giá tổng mức đầu tư của chương trình rất lớn so với các chương trình mục tiêu quốc gia khác. Trong khi đó, khả năng giải ngân đối với lĩnh vực văn hóa hiện nay gặp nhiều khó khăn. Giai đoạn 2012-2015, chương trình mục tiêu là 7.968 tỷ đồng nhưng thực tế chỉ thực hiện được 1.786 tỷ. Giai đoạn 2016-2020 dự kiến là 10.620 tỷ đồng, nhưng thực tế bố trí được 2.700 tỷ.
“Quy mô Chương trình hàng trăm nghìn tỷ chỉ có một năm chuẩn bị khung chính sách cho đầu tư là ngắn”, ông Mạnh nói, đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ vì đây là nội dung khó, phức tạp.
Sơn Hà
Nguồn tin: https://vnexpress.net/phat-trien-van-hoa-khong-phai-cu-chi-nhieu-tien-moi-hieu-qua-4801482.html