Tiền GiangHàng trăm rắn hổ mang được trại Đồng Tâm ở huyện Châu Thành, nuôi dưỡng, cung cấp nọc độc cho đơn vị điều chế huyết thanh.
Trung tâm Nuôi trồng nghiên cứu chế biến dược liệu, Cục Hậu cần Quân khu 9 (trại rắn Đồng Tâm) được thành lập 46 năm trước, rộng 12 ha. Ngoài khu vực nuôi, bảo tồn 40 loài rắn, nơi đây còn có bảo tàng rắn, vườn thú, vườn du lịch sinh thái.
Thiếu tá Nguyễn Hữu Viên, Đội trưởng nuôi trồng cho biết, trại có hơn 1.000 rắn các loại, trong đó chủ yếu là rắn hổ mang với gần 700 con. “Thủ lĩnh” tại vương quốc rắn là 4 rắn hổ mang chúa trên 10 năm tuổi, dài 3-4 m, nặng 15-16 kg.
Bình quân 3 tháng một lần, trại sẽ tổ chức lấy nọc độc, chủ yếu là hai loại rắn hổ mang và rắn lục đuôi đỏ. Gần đây, quy trình lấy nọc độc cũng được trình diễn cho người dân đến xem nhằm phổ biến kiến thức về các loài rắn độc để phòng tránh, cấp cứu đúng cách.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề nuôi rắn, ông Viên nói công việc đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mẩn như “chăm con mọn”. Mỗi con đều được cấp số và có hồ sơ bệnh án riêng. “Hôm nào cán bộ phụ trách nghỉ, khi bàn giao cho người khác phải ghi chú đầy đủ số con vừa bị viêm da, sưng răng như thế nào để tiện theo dõi chăm sóc”, đội trưởng nuôi trồng nói thêm.
Quy trình lấy nọc độc rắn, nhân viên còn đối diện với nhiều nguy hiểm. Bình quân, mỗi con rắn cung cấp khoảng hai giọt nọc, tương đương 0,5 ml. Nếu rắn hổ mang là “sát thủ”, một gram nọc độc khô có thể giết khoảng 166 người, thì hổ mang chúa sẽ là “thần chết” bởi độc tố còn mạnh hơn gấp 5 lần.
Hổ mang chúa có kích thước lớn, nhanh và dữ, thường chủ động tấn công khi bị đe dọa, nên việc lấy nọc cần tới 4-5 người. Nhân viên sau khi dùng gậy khống chế rắn sẽ nhanh tay lấy nọc ở phần đầu. Người lấy phải thực hiện hành động một cách dứt khoát vì chỉ cần lơi lỏng rắn sẽ xoay đầu tấn công.
Nọc độc sau khi lấy được bảo quản lạnh, sau đó chuyển đến xưởng dược để loại bỏ các tạp chất bằng máy ly tâm, kế đến sẽ sấy khô để làm nguyên liệu điều chế huyết thanh.
15 năm trước, trong một lần lấy nọc, thiếu tá Viên từng bị rắn hổ mang cắn trúng tay, phải điều trị hơn một tuần mới khỏi. Dù không để lại di cứng nặng nhưng bàn tay mang vết sẹo như nhắc nhở anh về những hiểm nguy khi chăm sóc rắn.
Thiếu tá Đàm Huy Hoàng, Giám đốc trại rắn Đồng Tâm, thông tin mỗi năm đơn vị khai thác khoảng 500 ml nọc rắn các loại. Nọc độc rắn phục vụ cho những đơn vị trong hệ thống quân đội và các trường đại học, viện vaccine Nha Trang để nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc, sản xuất huyết thanh điều trị rắn độc cắn.
Ngoài nuôi rắn lấy nọc độc, mỗi năm đơn vị này còn cấp cứu khoảng 1.500 ca bị rắn độc cắn từ khắp cả nước lẫn Campuchia, Lào. Mỗi năm trại còn đón trên 200.000 lượt khách đến tham quan, học tập và nghiên cứu.
Hoàng Nam