Sóc TrăngAnh Nguyễn Tấn Đạt, 34 tuổi, ở huyện Kế Sách, nuôi heo rừng bằng trái cây kết hợp đậu nành, hèm bia, mỗi năm thu lãi hơn 800 triệu đồng.
Không có kinh nghiệm chăn nuôi, nhưng đam mê với nông nghiệp, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành ngữ văn Đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang) năm 2014, anh Đạt bỏ ra hàng trăm triệu đồng hùn với bạn nuôi heo rừng, trồng rau sạch. Sau thời gian góp vốn hiệu quả, anh rút khỏi nhóm, tự khởi nghiệp.
Năm 2016, thấy gia đình có vườn trái cây rộng hơn 3.000 m2, anh Đạt quyết định làm lại từ đầu với mô hình nuôi heo rừng bán hoang dã. Hiểu rõ đặc tính heo rừng thích đào bới, phá phách, anh xây chuồng bằng tường, lưới rào kiên cố cao gần 2 m, sàn tráng bêtông. Chuồng nuôi được chia từng khu vực để quản lý đàn. Từ 20 heo bố mẹ ban đầu, anh Đạt gầy đàn lên hàng trăm con.
Theo anh Đạt, thịt heo rừng ngon, da dày, giòn, ngọt, song hiện ở Đồng bằng sông Cửu Long bị lai tạo rất nhiều, làm giảm chất lượng. Do đó anh áp dụng mô hình nuôi heo kết hợp nhốt chuồng và thả rông. Vật nuôi chủ yếu được cho ăn trái cây kết hợp thức ăn hữu cơ, nhiều đạm thực vật như bã đậu nành, hèm bia.
“Ngoài các loại trái cây trong vườn nhà không đạt chuẩn, thương lái chê, tôi còn thu mua ở nhiều địa phương với giá rẻ. Trái cây là thức ăn bổ sung nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ cho heo rừng”, anh Đạt nói, cho biết người nuôi cần gia giảm lượng trái cây mỗi ngày tùy theo thể trạng heo để cân đối dinh dưỡng.
Được bổ sung trái cây, heo rừng lớn nhanh, thịt ngon, săn chắc, không có mùi hôi và ít bệnh hơn so với việc chỉ nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Với cách làm này, anh còn tiết kiệm chi phí đầu tư, mỗi con heo chỉ tốn khoảng 8.000 đồng mỗi ngày.
Anh Đạt kết hợp một số trang trại ở Bình Thuận, Đăk Lăk để có nguồn giống chất lượng. Bên cạnh đó, chủ trang trại kiểm soát quá trình tăng trọng gắt gao, mỗi tháng một con tăng không quá 6 kg. Việc này giúp heo rừng đảm bảo giữ được chất lượng thịt ngon, ngọt vốn có.
Nói về kinh nghiệm nuôi heo rừng, anh Đạt cho biết phải trải qua quá trình nhiều năm đến các trang trại tham quan, học hỏi, tìm hiểu tài liệu. Người chủ cần am hiểu đặc tính, quá trình sinh trưởng của heo, để điều chỉnh cách chăm sóc và cân bằng dinh dưỡng theo từng thời điểm.
“Làm nông nghiệp là phải kiên trì, bản thân tôi từng hai lần thất bại, thua lỗ hàng tỷ đồng mới ổn định”, chủ trang trại nói.
Heo nuôi khoảng 6 tháng được chủ trang trại xuất bán thương phẩm, heo giống chỉ bán khi đạt từ 20 kg trở lên nhằm đảm bảo chất lượng giống tốt, không bị lai tạp. Hiện giá heo rừng thịt khoảng 130.000-150.000 đồng mỗi kg, giá heo giống cao gấp đôi. Mỗi năm cơ sở của anh Đạt cung cấp cho thị trường miền Tây hơn 1.000 con heo, mỗi con cho lợi nhuận 500.000-800.000 đồng.
Hiện trang trại của anh Đạt có giấy chứng nhận trại nuôi động vật rừng thông thường vì mục đích thương mại của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng, giấy xác nhận đã đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường của UBND huyện.
Theo chính quyền địa phương, mô hình nuôi heo rừng trong vườn cây ăn trái theo hướng hữu cơ của anh Đạt có hiệu quả cao, mở ra hướng đi mới có thể phát triển trong tương lai.
Chúc Ly
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nuoi-heo-rung-bang-trai-cay-4750556.html