Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng đã đến lúc nông dân miền Tây buộc phải thay đổi khi năng suất, sản lượng của cây lúa dần chạm ngưỡng, dư địa phát triển đã không còn.
– Gần 50 năm đất nước từ thiếu ăn trở thành cường quốc xuất khẩu gạo, song giờ đây, nông dân miền Tây lại vướng “lời nguyền làm lúa không giàu”. Theo Bộ trưởng, tại sao lại tồn tại nghịch lý này?
– Tôi vẫn ám ảnh mãi câu nói đầy cảm thán của một lão nông: “Làm nông đã nghèo, trồng lúa còn nghèo hơn”. Thật ra, làm nông thu nhập thấp hơn các ngành nghề khác là tình trạng phổ biến trên thế giới, bởi đối mặt nhiều rủi ro như thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường…
Riêng nông dân miền Tây, điểm mạnh là năng động, thích nghi nhanh với nền kinh tế hàng hóa nhưng tư duy còn thiên về năng suất, sản lượng dẫn đến chậm thay đổi trong phương thức sản xuất, thiếu gắn kết chặt chẽ, bền vững giữa sản xuất với tiêu thụ.
Mục tiêu tối đa hóa năng suất, sản lượng có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn nhất định. Khi chủ trương thâm canh, tăng vụ trở thành chỉ tiêu thi đua của các địa phương thì tập quán lấy sản lượng định hướng sản xuất cũng dần hình thành. Tiêu chí bình xét vinh danh nông dân sản xuất giỏi cũng dựa trên năng suất và sản lượng cao.
Nhu cầu ngày một tăng nên gia tăng sản lượng là mục tiêu hợp lý và cần tập trung thực hiện vào thời điểm đó. Nhờ vậy, Việt Nam từ một đất nước thiếu ăn thành tự chủ lương thực, và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Nhưng rồi tập quán này bắt đầu gây ra hệ lụy. Đất – nguồn dinh dưỡng cho cây lúa, bị suy kiệt, dẫn đến chai cằn. Khi cây lúa không còn dinh dưỡng từ đất thì phải trông cậy những tác nhân bên ngoài. Vậy là phải sử dụng, rồi lạm dụng phân thuốc, các hóa chất để cây lúa tăng trưởng…
Như một vòng luẩn quẩn, càng lạm dụng phân thuốc vô cơ, đất đai lại chai cằn, và càng phải sử dụng nhiều phân thuốc. Hệ luỵ kéo theo là chi phí vật tư đầu vào gia tăng, thu nhập của người trồng lúa bị bào mòn do tập quán sản xuất và nhiều nguyên nhân khác.
– Vậy theo ông, đâu là vấn đề cần ưu tiên giải quyết để người trồng lúa khấm khá lên?
– Bằng chứng từ nhiều quốc gia đã cho thấy, làm nông vẫn có thể giàu, nếu quy mô đất đai rộng lớn và nông dân có kỹ năng cao, sẵn lòng tiếp cận tri thức mới, cách làm mới.
Nhiều báo cáo đã chỉ ra rằng, một nền nông nghiệp với đặc điểm manh mún nhỏ lẻ, tự phát, cấu trúc ngành hàng rời rạc, chính là thách thức lớn nhất trong chuyển đổi nông nghiệp theo hướng hiện đại với mục tiêu gia tăng khả năng cạnh tranh, cải thiện thu nhập cho người nông dân.
Để giải bài toán đó, nút thắt quan trọng nhất cần giải quyết là nâng cao chất lượng kinh tế tập thể, đặc biệt là Hợp tác xã lúa gạo, theo hướng tổ chức lại sản xuất theo quy trình chuẩn. Lan tỏa tinh thần hợp tác, liên kết, cùng chia sẻ giá trị, chia sẻ rủi ro. Người trồng lúa cần thay đổi theo cách tiếp cận kinh tế, từ “nhiều hơn để được nhiều hơn” – tức lạm dụng nguyên liệu đầu vào dẫn đến tăng chi phí, sang tư duy “ít hơn để được nhiều hơn” – giảm chi phí, tăng chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm phù hợp với nhu cầu khác nhau của thị trường.
Các chính sách trước đây thường thiên về hỗ trợ trực tiếp đầu vào để sản lượng nhiều hơn. Khi chuyển sang tư duy kinh tế, các chính sách sẽ tập trung hỗ trợ đầu ra, chuẩn hóa chất lượng, kết nối tiêu thụ, để tạo giá trị gia tăng cao hơn. Nói cách khác, mọi hỗ trợ để đạt mục tiêu: giảm chi phí, tăng chất lượng và đa dạng hoá sản phẩm, nhằm tiếp cận thị trường một cách chủ động hơn, đem lại giá trị cao hơn.
– ĐBSCL đang có quy mô đất sản xuất bình quân thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Các chính sách về đất đai cần làm gì để giải quyết tình trạng manh mún, nhỏ lẻ?
– Tích tụ, tập trung đất đai, mở rộng hạn điền là quy luật tất yếu nếu muốn phát triển hàng hoá quy mô lớn. Điều này đã được nêu trong Nghị quyết của Đảng và Luật đất đai 2024. Theo tôi được biết, Nhật Bản mất gần 30 năm để cơ cấu lại đồng ruộng theo hướng này.
Nhưng ĐBSCL không phải tờ giấy trắng, chỉ cần một nét vẽ, một dự án là biến những vuông đất nhỏ thành cánh đồng lớn. Hàng chục triệu nông dân đang cày xới trên những vuông đất nhỏ.
Trong Luật Đất đai 2024 đã có nội dung về cho thuê đất nông nghiệp, cách làm được một số nước áp dụng. Nhiều địa phương cũng có sáng kiến mang lại hiệu quả bước đầu, điển hình là Thái Bình với mô hình Câu lạc bộ đại điền, có cơ chế khuyến khích cho cả người cho thuê và người thuê đất. Nhiều HTX thuê đất của những người không sử dụng đất trong ngắn hạn, nhờ đó quy mô sản xuất được tăng lên.
Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng các bộ ngành, địa phương đánh giá cụ thể từng cách làm để khuyến nghị những cơ chế chính sách phù hợp, thúc đẩy hình thành thị trường cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Quan điểm của tôi là thúc đẩy mở rộng quy mô, nhưng không gây ra rủi ro cho cả người thuê và người cho thuê.
Tuy nhiên, tích tụ, tập trung đất đai, mở rộng hạn điền chỉ thành công bền vững khi thực hiện đồng bộ với các giải pháp về việc làm, sinh kế, thu nhập, đào tạo, chuyển đổi nghề. Nhất là những nông dân quy mô nhỏ, nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp cho doanh nghiệp hoặc người nông dân khác.
– Theo ông, làm thế nào để “đoàn tàu” lúa gạo vốn đã quen chạy theo năng suất thay đổi tư duy sang trồng lúa chất lượng?
– Bất cứ sự thay đổi nào cũng đều rất khó, nhưng nếu không thay đổi, thì sẽ càng khó khăn hơn. Vấn đề là phải làm cho mọi người thấu hiểu và đồng thuận.
Dư địa phát triển đã không còn, năng suất, sản lượng dần chạm ngưỡng, đất nông nghiệp sẽ tiếp tục giảm trong tiến trình công nghiệp hoá, đô thị hoá. Biến đổi khí hậu tác động đến nguồn nước và cách thức sản xuất. Xu thế thị trường đã thay đổi từ lượng sang chất, từ sản xuất gắn với truy xuất nguồn gốc, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường… Nông nghiệp, trong đó có sản xuất lúa, đối diện với ba chữ “biến”: biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng.
Nông nghiệp muốn thay đổi thì nông dân phải thay đổi. Nông dân thay đổi thì nông trại thay đổi. Nhiều nông trại thay đổi thì nông nghiệp sẽ thay đổi. Muốn người nông dân thay đổi không có cách nào khác là tri thức hoá nông dân.
Để tìm những hướng đi mới cho cây lúa, trong thời gian qua đã có Dự án “Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững – VnSAT” do Ngân hàng Thế giới tài trợ, trong đó có hợp phần ngành hàng lúa gạo ĐBSCL. Dự án giúp bà con thay đổi tập quán cũ bằng các phương pháp canh tác “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, hiệu quả mang lại là giảm được chi phí và ít tác động đến môi trường.
Ngoài ra, chủ trương xây dựng “Cánh đồng lớn” đã được nhiều các địa phương triển khai. Sự thành công bước đầu ở những mức độ khác nhau là tín hiệu tích cực. Tư duy sản xuất lúa gạo của bà con nông dân đã từng bước thay đổi ngay trên những cánh đồng. Tư duy hợp tác, liên kết đã được nhen nhóm.
Đây được xem như là cuộc cách mạng sâu rộng trong nông dân và xã hội nông thôn. Vai trò Nhà nước là quan trọng, có tính chất dẫn dắt, nhưng cần sự chung tay của các cả hệ thống chính trị, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp.
– Ông vừa đề cập đến tri thức hóa nông dân. Trước đây, trong các chương trình hỗ trợ nông dân ĐBSCL thường tập trung vào đào tạo sản xuất lúa hoặc nông sản khác, ông lại khởi xướng các phong trào như tặng smartphone, xây dựng tủ sách cho các Hội quán nông dân… Ông mong chờ nông dân thay đổi thế nào thông qua các hành động này?
– Tri thức hóa nông dân đơn giản là sự hiểu biết: hiểu về cách làm nông mới, biết cách giảm chi phí, biết thông tin thị trường, biết ứng dụng khoa học công nghệ, thương mại điện tử, biết sức mạnh của tinh thần hợp tác, liên kết. Không ai có thể đi xa mà đi một mình.
Những thiết bị thông minh như chiếc điện thoại, tủ sách cho cộng đồng là cách giúp bà con tìm kiếm tri thức và tự tri thức hoá mình, giúp bà con kết nối với nhau, với chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan chuyên môn bất cứ khi nào.
Một chiếc điện thoại thông minh nhỏ xíu, một tủ sách đơn giản nhưng trong đó chứa kiến thức, tinh hoa cả thế giới. Thật cảm xúc khi được biết một Hội quán ở Đồng Tháp, bà con có sáng kiến góp vốn xoay vòng giúp từng thành viên mua được điện thoại thông minh để mời họp hội, chia sẻ ý kiến với nhau và với cả Bộ trưởng.
Thầm ước, các chuyên gia, nhà báo khi đến với nông dân có thể hướng dẫn cách sử dụng smartphone sao cho thật hiệu quả, hoặc mang theo quyển sách tặng bà con thì hay biết mấy. Ai cũng có thể giúp tri thức hoá người nông dân chứ đâu riêng mình Bộ trưởng.
Là người từ địa phương, tôi thấu hiểu bà con. Nếu hỏi tôi “nông dân miền Tây đã được coi là chuyên nghiệp chưa” thì phải hỏi đó là nông dân nào? Tôi thường lưu ý rằng không có một tầng nông dân duy nhất. Có thể tạm phân thành 3 nhóm nông dân: có nhiều điều kiện, điều kiện trung bình, ít có điều kiện.
Điều kiện ở đây có thể hiểu là dựa vào quy mô đất sản xuất, kiến thức, kỹ năng. Nếu theo cách phân nhóm như vậy, thì câu trả lời là: vừa có nông dân chuyên nghiệp, vừa có nông dân chưa chuyên nghiệp. Tôi cũng cho rằng chuyên nghiệp là một biến số chứ không phải là một hằng số, mức độ chuyên nghiệp sẽ thay đổi theo thời gian và càng ngày càng được nâng lên.
– Trong đề án một triệu ha lúa, nông dân chia sẻ phần bán tín chỉ carbon còn mơ hồ. Ông hãy giải thích rõ hơn về chính sách này và tiềm năng trong tương lai?
– Đề án một triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải, gắn với tăng trưởng xanh là một thay đổi lớn, có những mục tiêu rất mới so với cách sản xuất lúa truyền thống.
Song song với đề án, thời gian tới, chúng tôi sẽ tổng kết những mô hình sản xuất lúa tích hợp, đa canh, xen canh đối với nơi quy mô đất đai nhỏ. Thông qua đó hỗ trợ người nông dân ngoài thu nhập từ hạt lúa, còn có những sản phẩm tuần hoàn hoặc từ ngành nghề nông thôn khác.
Hiệu quả mô hình lúa chất lượng cao, phát thải thấp trước hết là giúp giảm chi phí, không tạo ra tác nhân ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái tự nhiên. Trong xu thế tiêu dùng xanh, những sản phẩm được dán nhãn chứng nhận sinh thái, trong đó có giảm phát thải, sẽ chiếm được phân khúc thị trường cao hơn, giá cả cạnh tranh hơn. Tín chỉ carbon chỉ là phần nhận thêm khi quy trình đó được chứng thực bởi các bên liên quan.
Thế giới háo hức lắm. Người ta tìm tới những mô hình bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Vì thế giới đã đánh đổi quá nhiều để lấy sản lượng, từ sức khỏe đất, nước, con người.
Khi đi Thái Lan, họ đưa cho tôi túi dệt bằng tơ chuối. Người bán chia sẻ, nếu họ kể cho người tiêu dùng nguồn gốc sản phẩm làm từ thân chuối – khi tận dụng sẽ giảm ô nhiễm môi trường. Người mua đồng ý trả giá gấp đôi. Còn khi kể thêm rằng, thân chuối mục sẽ phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính, lập tức chiếc túi có thể được định giá cao hơn nữa. Đó là câu chuyện thực sự khiến chúng ta phải nhìn khác, nghĩ khác.
Tư duy kinh tế, không chỉ dừng lại ở giá cả hạt gạo, mà còn bao gồm cả giá trị tổng thể được tạo nên từ quy trình canh tác, cam kết trách nhiệm của người sản xuất vì môi trường, vì sức khỏe của người tiêu dùng. Tức phải chuyển tải đến người tiêu dùng câu chuyện của người trồng lúa làm nên hạt gạo, canh tác trên mảnh đất được chăm sóc, gìn giữ như thế nào… Giá trị sản phẩm lúa gạo được quyết định không chỉ bằng chất lượng, mà còn là niềm tin của người tiêu dùng về sự minh bạch, trách nhiệm.
– Để làm vậy sẽ cần kết nối thành công ba nhà: nhà nước – nhà nông – nhà doanh nghiệp. Nhìn từ bài học của “cánh đồng mẫu lớn”, theo ông, cần phải thay đổi thế nào?
– Một trong những lý do làm cho cánh đồng mẫu lớn “mãi không lớn” là chưa thực hiện tốt liên kết ba nhà. Trước đây, chúng ta thường tiếp cận các chương trình phát triển nông nghiệp dựa trên yếu tố kỹ thuật là chủ yếu, quên rằng con người mới quyết định cho sự thành công.
Con người ở đây là nông dân và doanh nghiệp cùng những thành phần liên quan khác: chính quyền, đoàn thể ở cơ sở, thương lái. Khi người trồng lúa vẫn theo tư duy mùa vụ, doanh nghiệp vẫn theo tư duy thương vụ sẽ không tạo ra mối quan hệ hợp tác, liên kết bền vững.
Ngoài ra, cần nhìn nhận vai trò của thương lái. Từ nhiều thập kỷ, các thương lái đã tham gia vào ngành hàng lúa gạo ĐBSCL. Theo khảo sát không chính thức, khoảng 80% lượng lúa từ đồng ruộng đến doanh nghiệp thông qua thương lái. Nông dân không thể tự vận chuyển lúa đến kho của doanh nghiệp, ngược lại, doanh nghiệp cũng không thể trực tiếp đến từng đồng ruộng để thu mua.
Trong thời gian tới, theo sự chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát huy vai trò, sự tham gia năng động, tích cực và chuyên nghiệp hơn của lực lượng thương lái trong chuỗi ngành hàng lúa gạo.
– Một số ý kiến chuyên gia lo ngại đề án một triệu ha lúa sẽ không thành công như một số chương trình tích tụ ruộng đất trước đây (dồn điền đổi thửa, cánh đồng mẫu lớn). Ông đánh giá về ý kiến này như thế nào?
– Mọi ý kiến lo ngại đều chính đáng, triển khai bất kỳ đề án nào cũng có rủi ro. Phạm vi và quy mô càng lớn, tính rủi ro càng cao. Những chương trình, đề án – cả thành công và chưa thành công trước đây – đều để lại những bài học quý. Đề án một triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao đã tính đến những rủi ro, bất cập, để làm sao đạt được các mục tiêu đề ra.
Đề án lần này hướng tới mục tiêu tổng quát bao gồm kinh tế, xã hội và môi trường. Những mục tiêu bao trùm đó, không chỉ có hợp phần kỹ thuật mà còn cấu trúc lại hệ sinh thái ngành hàng, nâng cao năng lực cho nông dân và doanh nghiệp để tạo ra chuỗi ngành hàng lúa gạo bền vững.
Đề án có cả một hợp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của lực lượng khuyến nông cộng đồng – cầu nối và chất kết dính các bên tham gia. Lực lượng này sẽ đồng hành với nông dân trồng lúa, đưa các quy trình sản xuất đến tận bờ ruộng. Ngoài ra, đề án cũng mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng hoạt động của HTX, Liên hiệp HTX sản xuất, kinh doanh lúa gạo.
Dù đề án có hoàn thiện đến đâu cũng không tránh khỏi phát sinh những yếu tố rủi ro khi thực hiện, nên cần kịp thời đánh giá, cân chỉnh trong và sau từng mùa vụ.
Tôi cảm nhận được sự thay đổi về tư duy đang lan tỏa trong bà con nông dân. Nhiều người phát biểu một cách tự hào: “Chúng tôi đang làm kinh tế nông nghiệp chứ không còn sản xuất nông nghiệp”. Nhiều nông dân được học về cách phân tích chi phí, doanh thu, lợi nhuận từ quy trình canh tác tiết giảm chi phí. Kinh tế tập thể, nhất là HTX kiểu mới, tận dụng lợi thế về quy mô, thực hiện mua chung, bán chung cũng đã giúp giảm phần nào giá cả đầu vào và ổn định đầu ra hơn.
Nhiều người thương cảm cho thân phận người nông dân, làm lụng cực khổ, trồng lúa không giàu. Nhưng đâu đó cũng có những nông dân không bằng lòng với lòng thương cảm đó. Bà con biết tự cứu lấy mình trước khi ai đó đến cứu bởi “nước xa không cứu được lửa gần”. Để bước qua “lời nguyền” trồng lúa không giàu, nông dân trước tiên phải tự thay đổi.
Ngọc Tài
Bài 1: Nông dân miền Tây ‘hụt hơi’ sau cuộc đua năng suất
Bài 2: Thế bế tắc của ruộng lúa miền Tây
Bài 3: Phá bỏ lời nguyền làm lúa không giàu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nong-dan-trong-lua-phai-thay-doi-de-buoc-qua-loi-nguyen-4794266.html