Cà MauNgọn hải đăng từ thời Pháp thuộc trên đỉnh cao 284 mét của đảo Hòn Khoai, huyện Ngọc Hiển luôn sáng 12 tiếng trong đêm, giúp tàu bè trên biển định phương hướng.
34 năm vào nghề gác đèn biển, ông Huỳnh Văn Hà (quê Thái Bình) đi một vòng bảy đảo ở Cà Mau, làm việc trên các trạm hải đăng rồi lại về Hòn Khoai, nơi ông từng đặt chân đến lần đầu năm 1992. Một vòng ấy tính ra hết hơn nửa đời người, nhưng ba lần rời đi rồi trở lại Hòn Khoai được ông ví như duyên số.
Mùa xuân năm 1992, anh thanh niên tuổi đôi mươi, quê Tiền Hải (Thái Bình) theo tàu tiếp dầu ra Trạm hải đăng Hòn Khoai làm việc. Tàu neo, xuồng cập bãi lớn, anh em đợi sẵn, người đỡ tư trang, đón thực phẩm tiếp tế.
Anh Hà đặt chiếc balo lại trên bãi, ghé vai cùng các nhân viên trạm gánh mỗi bên một can dầu chục lít để chạy máy phát thắp sáng hải đăng. Con đường từ bãi lên trạm dài cây số rưỡi, những người đàn ông leo ngược dốc đứng, thở qua tai, sau hai tiếng cũng lên tới nơi.
Trên điểm cao 284 mét của Hòn Khoai – đảo cao và rộng nhất trong cụm 5 đảo cùng tên, ngọn hải đăng đứng kiên định trên nền trời. Tháp đèn cao 15,7 m vượt lên từ mặt đảo, là cột mốc quan trọng khẳng định chủ quyền vùng lãnh hải Tây Nam. Hòn đảo rộng 4 km2, cách đất Cà Mau 14 km được đánh giá giữ vị trí cực kỳ quan trọng về quốc phòng an ninh, ví như một “trạm tiền tiêu canh giữ vùng trời, vùng biển và dải đất phía Tây Nam Tổ quốc”.
Trong ký ức người gác đèn khi ấy, anh em được ở khu nhà “xịn” nhất đảo xây từ thời Pháp thuộc. Phòng sinh hoạt chung rộng khoảng 40 m2, từng là nơi ở của “chúa đảo”. Công việc của họ mỗi ngày là giữ cho ngọn đèn biển sáng liên tục 12 tiếng, từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau.
Trong đêm đen, ánh sáng từ ngọn hải đăng độc lập chỉ vị trí Hòn Khoai, giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Cà Mau định hướng ra vào và xác định tọa độ. Tầm hiệu lực ánh sáng của ngọn đèn đạt 26,7 hải lý, tầm nhìn địa lý tương đương 41 hải lý bởi nằm trên điểm cao.
Tháp hải đăng Hòn Khoai thuộc hệ thống công trình đèn biển có mặt sớm nhất trên hải phận Việt Nam, xây dựng năm 1899 từ thời Pháp thuộc. Công trình hiện được xác định cấp một trong hệ thống hải đăng quốc gia do Bộ Giao thông Vận tải quản lý. Dưới chân tháp đèn còn bia chiến công thầy giáo Phan Ngọc Hiển – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tháng 12/1940 đã chỉ huy nhóm nghĩa quân nổi dậy chiếm Hòn Khoai, trong đó có cả những nhân viên nhà đèn.
Dưới bàn tay vận hành của những người gác đèn, ánh sáng từ ngọn hải đăng chỉ đường cho tàu thuyền trên biển hầu như chưa bao giờ tắt trong đêm. “Chỉ có một lần hải đăng bị sét đánh trong mùa mưa bão. Đèn chính gặp sự cố nhưng đèn phụ thay thế ngay trong lúc chờ sửa chữa”, ông Hà kể, khẳng định rằng tác động của thời tiết là không tránh được.
Hơn ba mươi năm kể từ ngày đặt chân lên đảo, ông Hà quay lại trạm hải đăng Hòn Khoai đầu năm 2023 khi hai bên tóc mai đã bạc trắng, da sạm đi vì bốn mùa gió đảo. Mỗi lần về đảo, ông “vui như về nhà, vui cả khi đặt từng bước chân lên bậc thềm đá”.
Đồng nghiệp cũ lần lượt chuyển công tác đi các đảo, nhưng khung cảnh trạm hải đăng gần như không thay đổi. Chỉ có những cây kiểng trồng tốt hơn và khu nhà công vụ được sửa sang đôi chút. Con đường từ bãi dẫn lên trạm hải đăng dốc vẫn dựng đứng đã được đổ bê tông. Nhân viên trong trạm không còn phải gánh từng can dầu lên dốc mà dùng xe máy, thi thoảng nhờ chiếc bán tải của bộ đội biên phòng. Cuộc sống dù cải thiện nhiều, song vẫn còn những bộn bề khó nói.
Gió mùa tràn về những ngày cận Tết, biển động, sóng đập ầm ầm vào bờ kè trước bãi. Anh Nguyễn Văn Tuấn mỗi ngày vài lượt trèo lên tháp đèn kiểm tra, buộc lại góc vải bạt che chắn bị gió quật tung. Người đàn ông 39 tuổi dùng khăn tỉ mẩn lau thân đèn cho đỡ hơi muối biển, một trong những công việc duy tu đảm bảo hải đăng luôn sáng đèn.
Ngọn đèn biển hoạt động bằng dầu và năng lượng mặt trời, riêng điện sinh hoạt trên trạm dùng “ké” bộ đội hải quân. “Sáng có điện từ 8h đến 10h, tối từ 18h đến 22h”, anh Tuấn thông báo lịch cấp điện mỗi ngày. Nguồn điện chỉ đủ cho các nhân viên họp giao ban và triển khai những công việc khi cần kíp.
Trạm nằm trên cao không có lạch ngầm, thường thiếu nước mùa khô. Sau Tết, sáu người đàn ông ngoài công việc chuyên môn sẽ phân công nhau mang can, thùng, ngày hai lần đi lấy nước sinh hoạt dưới khe suối sát chân đảo. Ở mãi rồi cũng quen, anh Tuấn “thấy những thiếu thốn cũng thành bình thường”.
Đảo không có dân sinh sống, chỉ có các lực lượng hải quân, biên phòng, nhân viên trạm hải đăng và hạt kiểm lâm làm nhiệm vụ. Vắng hơi người, trạm nuôi một cặp chó đặt tên Ki và Vàng bầu bạn. Chúng quấn người, thấy anh em đi rừng, tập thể dục là theo sau. Mỗi sáng, ông Hà xỏ xong giày đi bộ là thấy hai chú chó đứng trước cửa phòng, chực đi theo.
“Không có người, vắng hình vắng tiếng, nên cuối năm có đoàn đến thăm là anh em mừng lắm, chuẩn bị chè nước, dọn dẹp từ mấy ngày trước”, ông kể.
Năm nay, ông Hà ăn Tết ngoài đảo, các con lập nghiệp ở TP HCM, chỉ còn mình vợ ở Cà Mau. Đảo không có tàu thuyền đi lại, ông không biết gửi gì cho vợ ngoài “chuyển tiền lương đầy đủ” và lời nhắn vui khỏe về đất liền. Ba ngày Tết, lịch trực đã phân công xong. Ngoài ca, các nhân viên trạm hải đăng thi thoảng xuống giao lưu với các lực lượng đóng quân. Trò giải trí ngày Tết của những người đàn ông trên đảo đôi khi chỉ vài trận đấu bóng chuyền, giao hữu bóng đá rồi lại vào ca trực.
Hỏi về những điều ước cho năm mới, ông Hà đáp rằng chỉ cần “vui, khỏe và vững tin” để làm tốt việc, giữ cho ngọn đèn luôn sáng cho đến lúc về hưu, giúp tàu thuyền không lạc lối giữa biển đêm. “Hải đăng mà tắt đèn là anh em không có lương đâu”, ông nói vui.
Hoàng Phương
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nhung-nguoi-giu-sang-den-bien-125-tuoi-tren-dao-tien-tieu-4710131.html