Hàng chục nghìn công nhân khó khăn ở phía Nam nhiều năm không về quê được các tổ chức, đoàn thể tặng vé tàu, xe miễn phí để sum họp với gia đình ngày Tết.
Tối 4/2 (25 tháng Chạp), tàu TN4 vừa rời ga Sài Gòn chừng chục phút, chị Nguyễn Thị Đào nhận được cuộc gọi của con gái lớn 11 tuổi hỏi bao giờ về đến nhà. Video cuộc nói chuyện quay đến hai đứa em ngồi cạnh. Không háo hức như anh chị, đứa út 4 tuổi có phần ngơ ngác.
“Hơn 3 năm rồi tôi không về quê. Mấy đứa con gửi ông bà ngoại chăm sóc mấy năm qua”, người mẹ ba con hiện là công nhân nhà máy Sonion Việt Nam (Khu công nghệ cao TP HCM), nói.
Cách đây 11 năm, vợ chồng chị rời Quảng Trị vào miền Nam làm công nhân. Thời gian đầu, chị vẫn hay về Tết nhưng khi ba đứa con lần lượt chào đời, những chuyến về quê thưa dần. Đứa con út xa mẹ khi mới một tuổi. Mỗi tháng, vợ chồng chị gói ghém gửi bà ngoại 5-6 triệu đồng để lo cho các con.
Chồng chị Đào là thợ hồ, gần nửa năm qua công việc bấp bênh, thu nhập giảm sút nên đã về quê trước. Chi tiêu sinh hoạt gần như trông vào suất lương hơn 8 triệu đồng mỗi tháng của chị. “Tiền gửi về cho con, nhà trọ, điện nước… là hết sạch”, nữ công nhân 35 tuổi nói, cho biết mấy năm qua kinh tế khó khăn nên càng phải chắt bóp, tiền thưởng cuối năm chị để dành sắm Tết cho ba con.
“Tôi không nghĩ mình sẽ về quê cho đến khi công đoàn thông báo sẽ tặng vé tàu Tết”, chị Đào nói, hy vọng con út sẽ “không quên mặt mẹ” sau nhiều năm xa cách. Người mẹ lên kế hoạch đưa con đi sắm áo mới, xin công ty nghỉ thêm vài hôm để có thêm thời gian cho con.
Không riêng chị Đào “đếm từng giờ để về với con” trên Chuyến tàu mùa xuân do Công đoàn TP HCM tổ chức, gần 600 gia đình công nhân với hơn 2.000 thành viên cũng thỏa ước mong sum họp sau nhiều năm xa quê.
Vợ chồng chị Vi Thị Thà cho biết gia đình tiết kiệm được 3 triệu đồng khi được Liên đoàn lao động, đoàn thanh niên quận Gò Vấp tổ chức xe đưa về Quảng Nam. Anh làm thợ hồ, chị vốn là công nhân nhà máy giày da Huê Phong. Năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19 nên công ty giảm toàn bộ lao động. Mất việc giữa lúc khó khăn, công việc của chồng lại bấp bênh nên chị buộc phải gửi con gái lớn 7 tuổi về quê.
“Chấp nhận xa con, ở lại thành phố vợ chồng tôi không gồng được”, chị Thà nói. Sau nhiều cố gắng tìm việc, chị được Công ty may Phương Nam tiếp nhận hồi đầu năm ngoái với lương cơ bản 5 triệu đồng mỗi tháng. Thu nhập ít ỏi nên mỗi lần về quê anh chị phải căn ke từng chút một, để dành từ nhiều tháng trước bởi chỉ riêng tiền vé một chiều của gia đình đã hơn 3 triệu đồng.
Người mẹ hai nói rằng chưa đến tháng Chạp con gái đã gọi điện hỏi ba mẹ khi nào về Tết. Năm nay, công việc và thu nhập đều khó khăn nên anh chị không biết trả lời con thế nào. “Khi công đoàn thông báo có xe miễn phí đưa công nhân về quê, tôi đã đăng ký ngay”, chị Thà nói. Không chỉ chị mà ban tổ chức còn hỗ trợ vé, ăn uống trên đường đi cho chồng và con trai út trên suốt hành trình về quê.
Ông Phạm Chí Tâm, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố, cho biết từ ngày 4-7/1 (25 đến 28 tháng Chạp), 17 chuyến tàu miễn phí xuất phát từ ga Sài Gòn sẽ đưa công nhân về các tỉnh với điểm dừng cuối là Hà Nội. Ngoài vé tàu, tính đến 26 tháng Chạp, chương trình Tấm vé nghĩa tình của các cấp công đoàn đã tặng gần 26.000 vé xe, máy bay đến người lao động. Thành đoàn TP HCM cũng tổ chức các chuyến xe miễn phí đưa 1.500 lao động về quê.
Không chỉ TP HCM, các tỉnh phía Nam, đoàn thanh niên, doanh nghiệp… cũng tổ chức các chuyến xe đưa hàng chục nghìn lao động về quê. Tại Bình Dương, công đoàn tặng gần 1.500 vé tàu, 3.500 vé xe miễn phí cho công nhân. Đồng Nai cũng tổ chức 35 chuyến xe mùa xuân đưa lao động về quê sum họp gia đình ngày Tết.
Theo lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố, tổ chức các chuyến tàu, xe, máy bay miễn phí đưa công nhân về Tết không chỉ là sự nỗ của các cấp công đoàn mà trên hết là sự đồng hành của nhiều nhà tài trợ, doanh nghiệp. “Những chuyến tàu khởi hành ngày giáp Tết không chỉ là phương tiện mà còn là hành trình chở sự chia sẻ, hy vọng của những người con xa quê về với gia đình”, ông Tâm nói.
Lê Tuyết
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nhung-chuyen-tau-xe-mien-phi-dua-cong-nhan-ve-tet-4708959.html