TP HCMNhiều tài xế uống rượu bia lái xe từ chối ký biên bản, bỏ phương tiện, viện lý do khi bị cảnh sát xử phạt, trong ngày đầu tăng cường kiểm tra dịp Tết Dương lịch, tối 30/12.
Từ 20h, gần 20 chiến sĩ kết hợp từ đội CSGT Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình và Tân Phú chia hai tổ kiểm tra nồng độ cồn tại giao lộ Thoại Ngọc Hầu – Luỹ Bán Bích, quận Tân Phú.
Kiểm tra ngẫu nhiên nhiều người lái xe máy đang dừng đèn đỏ, cảnh sát phát hiện người đàn ông 36 tuổi có nồng độ cồn 0.808 mg/l khí thở – vi phạm gấp đôi mức trần. “Chiều nay đi làm về tôi có uống vài chai nhưng vẫn còn chạy xe được”, nam tài xế nói. Khi lực lượng chức năng yêu cầu lập biên bản, tài xế không hợp tác bỏ lại xe máy.
Một tài xế khác khi đo qua máy có mức vi phạm vượt trần cũng không chấp hành. Ông nói chỉ uống ít, phải đi mua thuốc đau dạ dày gấp nên không thể ở lại ký biên bản. Khi tổ công tác thuyết phục để lại số điện thoại, nam tài xế cũng từ chối. Một số trường hợp khác cũng tìm cách đối phó bằng cách thổi không ra hơi để máy đo không phát hiện nồng độ cồn.
Trong khoảng một giờ, tổ công tác đã lập biên hơn chục người vi phạm, tạm giữ nhiều xe máy. Trong số này, nhiều tài xế nói biết CSGT TP HCM đang mở đợt kiểm tra nồng độ cồn, nhưng do đi quãng đường ngắn nên chủ quan hoặc chỉ uống 1-2 ly xã giao, đi tiệc tất niên sau giờ làm nên vẫn lái xe.
Một CSGT đội Tân Sơn Nhất cho biết nhiều người lái xe máy cố ý viện lý do, không ký biên bản để tránh việc xử phạt, làm mất thời gian của lực lượng. Có tài xế không chấp hành thổi qua phễu nhựa vì sợ lây bệnh dù được cảnh sát giải thích việc này đã đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, một số trường hợp còn bỏ lại xe máy có giá trị thấp thay vì phải đóng tiền phạt. “Đối với các trường hợp này, lực lượng sẽ chiếu theo quy định lập biên bản xử phạt lỗi cao nhất để răn đe”, cảnh sát nói.
Việc tăng cường kiểm tra nồng độ cồn dịp Tết Dương lịch và Nguyên đán sắp tới được Thủ tướng yêu cầu hồi đầu tháng 12 để kéo giảm tai nạn giao thông.
TP HCM mở đợt kiểm tra nồng độ cồn từ giữa tháng 11 trong bối cảnh tài xế vi phạm luật giao thông còn phổ biến. Những ngày đầu thực hiện cao điểm, các tổ cũng gặp khó do nhiều người đối phó khi bị đo nồng đồ cồn. Cảnh sát đã kết hợp nhiều biện pháp, sử dụng camera giám sát làm căn cứ xử phạt hoặc phối hợp công an khu vực xử lý các trường hợp không chấp hành, chống đối. Một tháng qua, gần 2.300 tài xế đã bị phạt, tước bằng lái, trong đó có nhiều trường hợp bị lập biên bản xử phạt vào ban ngày.
Ở buổi thảo luận về dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ chiều 24/11, nhiều ý kiến cho rằng không nên cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe, nên có mức cho phép lái xe có nồng độ cồn nhất định. Phản hồi ý kiến trên, Cục CSGT cho biết việc áp dụng luật trên đã chứng minh hiệu quả, giúp giảm tai nạn giao thông.
Thống kê trong năm 2023, cả nước có trường hợp vi phạm nồng độ cồn cao kỷ lục là 770.000, tăng gấp rưỡi so với năm ngoái. Theo Cục CSGT, sự quyết liệt xử lý vi phạm đã giúp giảm 9% vụ tai nạn giao thông, giảm 26% người chết bị thương so với cùng kỳ.
Đình Văn
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nhieu-tai-xe-bo-xe-khi-bi-xu-ly-vi-pham-nong-do-con-4695422.html