Một số doanh nghiệp ở TP HCM, Bình Dương có đơn hàng cần hoàn thiện hoặc cần sớm ra thị trường đã tổ chức cho công nhân làm việc xuyên Tết.
Sau 6 cái Tết về quê ở Phú Yên, năm nay anh Nguyễn Linh Hoàng, 34 tuổi, làm việc tại Công ty TNHH Nidec Việt Nam ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức), quyết định ở lại làm việc.
Từ giữa cuối tháng 1, nhà máy đã thông báo sản xuất ngày Tết. Trong thời gian nghỉ Tết từ ngày 7-17/2 (29 tháng Chạp đến mùng 8 tháng Giêng), nếu lao động đăng ký làm việc sẽ được trả lương tăng thêm. Cụ thể, tùy nhóm công việc, thời gian, loại hợp đồng mà lương người lao động tăng 200-400%. Ngoài ra, trong 10 ngày làm việc, công nhân được hưởng thêm phụ cấp 200.000 đồng mỗi ngày.
10 ngày nhà máy tổ chức sản xuất, anh Hoàng đăng ký làm 6 ngày. Những ngày còn lại anh đưa vợ về quê ở Đồng Nai thăm ông bà ngoại. “Năm nay ở lại làm việc với công ty, cố gắng Tết sau về sum họp với gia đình”, anh Hoàng nói.
Anh Hoàng là một trong gần 1.400 lao động của Nidec Việt Nam, 100% vốn Nhật Bản, chuyên sản xuất motor quạt có độ chính xác cao, vi mạch điện tử… đăng ký làm việc xuyên Tết. Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch công đoàn công ty, cho biết đơn hàng của nhà máy ổn định. Doanh nghiệp tổ chức làm việc suốt kỳ nghỉ lễ để chuẩn bị các công đoạn bán thành phẩm để ngay sau Tết hoạt động trở lại bình thường có linh kiện để hoàn thiện.
“Công ty chỉ khuyến khích và để lao động tự nguyện đăng ký. Số người làm việc xuyên Tết chiếm gần 30% nhân sự. Lương, thưởng được đảm bảo đầy đủ”, ông Hồng nói.
Tương tự, tại Bình Dương, có 16 nhà máy sản xuất và nhiều doanh nghiệp dịch vụ tổ chức cho hơn 6.000 lao động làm việc xuyên Tết.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, cho biết hầu hết các doanh nghiệp sản xuất làm việc trong kỳ nghỉ đều ở trong khu công nghiệp, với tổng hơn 3.200 lao động. Ngành nghề chủ yếu là điện, điện tử, sản xuất giấy bao bì…
Một số doanh nghiệp có bố trí số lượng lao động làm Tết lên đến hàng nghìn người. Đơn cử, Công ty TNHH Techtronic Industries Việt Nam Manufacturing ở Khu công nghiệp VSIP, chuyên sản xuất xuất cung cấp máy khoan, bắn vít, cắt cỏ, thiết bị khí, thiết bị có dây, thước đo thủy, thiết bị chiếu sáng, thiết bị chăm sóc sàn… tổ chức cho hơn 1.000 lao động làm việc xuyên Tết. Chi nhánh Công ty Cổ phần Tôn Đông Á tại Thủ Dầu Một có 600 lao động đăng ký làm việc Tết, Công ty TNHH CN De Licacy Việt Nam có 370 người, Công ty TNHH Sonova Operations Center Việt Nam là 300 lao động…
Lãnh đạo ngành lao động Bình Dương nói thêm đối với doanh nghiệp hoạt động ngoài khu công nghiệp, nhóm ngành dịch vụ bảo vệ, phòng khám đa khoa… làm xuyên Tết do đặc thù công việc. Tổng cộng có gần 3.000 lao động. Ngoài ra còn có một đơn vị dịch vụ công cộng có khoảng 1.200 lao động cũng làm việc trong thời gian nghỉ lễ.
Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh đã hướng dẫn các ngành, doanh nghiệp chi trả, giải quyết các chế độ khi người lao động làm vào ngày Tết đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Theo quy định, vào 5 ngày nghỉ Tết, ngoài tiền lương được nhận, nếu đi làm vào ban ngày lao động sẽ được trả ít nhất 400% lương, trường hợp làm ban đêm nhận ít nhất 490% lương.
Tại TP HCM, đại diện Sở Lao động, thương binh và xã hội cho biết doanh nghiệp làm xuyên Tết thường ghi nhận ở khu công nghiệp, công nghệ cao và một số ngành dịch vụ như siêu thị, nhà hàng, khách sạn, công ích…
Theo ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động – Tiền lương – Bảo hiểm xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM), doanh nghiệp làm việc xuyên Tết ngoài chi phí tiền lương tăng gấp 3, 4 lần còn có thêm các hoạt động chúc Tết, lì xì cho lao động.
“Mặc dù chi phí tăng cao nhưng doanh nghiệp chấp nhận để đảm tiến độ đơn hàng”, ông Cường nói, thêm rằng điều này góp phần làm không khí sản xuất sôi động ngày từ đầu năm giữa bối cảnh nhiều ngành dự báo tiếp tục gặp khó khăn.
Lê Tuyết
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nhieu-nha-may-sang-den-xuyen-tet-4710409.html