TP HCMNgành chức năng không phát hiện được việc bạo hành trẻ khi kiểm tra do chủ Mái ấm Hoa Hồng có cách đối phó, theo lãnh đạo quận 12.
Nội dung được bà Võ Thị Chính, Phó chủ tịch UBND quận 12, nói tại họp báo tình hình kinh tế, xã hội trên địa bàn TP HCM do Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM tổ chức, chiều 5/9. Trước đó sau khi mái ấm này bị phát giác bạo hành trẻ, lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM cho hay sự việc xảy ra có phần buông lỏng quản lý từ địa phương.
Theo bà Chính, từ thời điểm thành lập (7/7/2023) đến nay, nhiều lần Mái ấm Hoa Hồng được Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận 12 phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra. Cụ thể, địa phương kiểm tra hai lần vào tháng 11/2023 và 4/2024. Gần nhất, hồi tháng 7, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 12 cũng thực hiện giám sát cơ sở này. UBND phường cũng thường xuyên kiểm tra.
Tuy nhiên, các lần kiểm tra và giám sát đều ghi nhận mái ấm nuôi 39 trẻ đúng nội dung giấy phép, các trẻ đều có chỗ vui chơi. “Chưa lần nào đoàn kiểm tra thấy số trẻ vượt quy định hay có dấu hiệu bạo hành”, bà Chính nói. Lãnh đạo quận 12 cho rằng điều này chứng tỏ chủ cơ sở có cách đối phó để cơ quan chức năng không phát hiện được việc bạo hành, hành hạ các bé.
Nói về cách thức kiểm tra, bà Chính nói theo quy định khi ngành chức năng kiểm tra sẽ có kế hoạch và thông báo với cơ sở. Trường hợp kiểm tra đột xuất phải có lý do như nhận được phản ảnh từ công an khu vực, hàng xóm, báo chí… Thực tế là cơ sở này rất yên ắng, địa phương chưa nhận được thông tin bất thường nào trước khi có phản ảnh, điều tra của báo chí.
Ông Nguyễn Tăng Minh, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM, nói Mái ấm Hoa Hồng bị kiểm tra, giám sát nhiều lần nhưng không phát hiện sai phạm là “bài học cho địa phương và ngành”. Do đó, sắp tới cơ quan chức năng tổ chức nhiều cuộc kiểm tra đột xuất, kiểm tra chéo để đảm bảo việc thực hiện nuôi dưỡng trẻ đúng quy định, an toàn.
Tại họp báo, vấn đề quản lý thu, chi của cơ sở và có hay không việc chủ Mái ấm Hoa Hồng lợi dụng trẻ để trục lợi, lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM cho biết nội dung này đang được điều tra. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng việc các chủ cơ sở chỉ muốn nhận tiền, không nhận quà, tã, sữa “là nỗi băn khoăn”.
“Trẻ con nào chẳng cần tã, sữa, quà bánh. Chủ cơ sở từ chối nhận cũng là một dấu hiệu cần giám sát”, ông Minh nói. Do đó, nếu người dân phát hiện những cơ sở có dấu hiệu này cần thông tin về cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý.
Chiều nay, làm việc tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình, TP Thủ Đức – một trong ba cơ sở đón nhận các trẻ từ Mái ấm Hoa Hồng, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM, cho biết thành phố sẽ kiểm tra tất cơ sở bảo trợ, mái ấm. Việc này nhằm ngăn chặn nhà tình thương, mái ấm không phép, đảm bảo an toàn cho người yếu thế.
“Ba đoàn công tác sẽ kiểm tra 63 cơ sở bảo trợ xã hội, mái ấm ngoài công lập và 16 cơ sở công lập về điều kiện vật chất, đội ngũ bảo mẫu, người chăm sóc trẻ…”, ông Thinh nói.
Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết Mái ấm Hoa Hồng được UBND quận 12 cấp phép từ tháng 7/2023. Địa phương đã thiếu quản lý dẫn đến chủ cơ sở nhận đến 86 trẻ trong khi giấy phép chỉ được tối đa 39 trẻ.
Để hạn chế việc này, đơn vị có văn bản hướng dẫn, yêu cầu địa phương khi cấp phép phải đối chiếu quy định, kiểm tra cơ sở vật chất, nhân lực, tăng cường giám sát cơ sở đang tồn tại. Các mái ấm, nhà tình thương xin giấy phép sau này sẽ được siết chặt quy định, thẩm tra kỹ lưỡng mới cho hoạt động.
“Kế hoạch tăng cường kiểm tra sắp tới sẽ ngăn chặn hành vi tiêu cực tại các cơ sở bảo trợ xã hội về sau”, ông Thinh nói.
Sau vụ việc bạo hành trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng, chiều qua 86 trẻ em ở mái ấm chia thành ba lứa tuổi: dưới một, từ 1-2 và 2-4 đưa về Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình, Gò Vấp và Làng thiếu niên Thủ Đức.
Tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình, 32 bé (2-4 tuổi) được khám sức khỏe, ở hai phòng riêng, 5 bảo mẫu chăm sóc, tắm giặt, cho ăn uống. Ông Đinh Hữu Tuyến, Giám đốc trung tâm, cho biết các cháu khi về do thay đổi môi trường sợ người lạ nên quấy khóc, khó ngủ, đến trưa nay đã ổn định. Bảo mẫu thường xuyên vỗ về để trẻ làm quen nơi ở mới, ổn định tâm lý.
“Các trẻ đều có sức khỏe tốt, được chăm sóc sau một thời gian sẽ hòa nhập với 255 cháu khác tại trung tâm”, ông Tuyến nói. Còn ở Làng thiếu niên Thủ Đức, 37 trẻ từ 1-2 tuổi chập chững biết đi được đặt trong các khung cũi inox để bảo mẫu dễ chăm sóc. Các bé được cho đồ chơi, theo dõi thói quen sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ phù hợp.
Liên quan sự việc Mái ấm Hoa Hồng, bà Giáp Thị Sông Hương, người đại diện theo pháp luật của cơ sở, cùng một số nhân viên bị tạm giữ để làm rõ dấu hiệu vi phạm sau vụ nhiều trẻ em bị bạo hành. Có bảo mẫu thừa nhận hành vi đánh đập nhiều trẻ em tại đây để các cháu sợ mà nghe lời.
Đình Văn – Lê Tuyết
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nhieu-lan-kiem-tra-mai-am-hoa-hong-nhung-khong-phat-hien-bao-hanh-tre-4789427.html