Hà NộiLiệt sĩ, anh hùng Trần Thị Bắc, nguyên mẫu trong bài thơ “Núi Đôi” của nhà thơ Vũ Cao được UBND thành phố đề xuất đặt tên cho đường ở huyện Sóc Sơn.
Theo dự thảo Tờ trình đặt tên, điều chỉnh độ dài một số đường, phố và công trình công cộng, năm nay TP Hà Nội dự kiến đặt tên cho 22 tuyến đường, phố mới, trong đó có đường Trần Thị Bắc. Tuyến đường này ở thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, dài 620 m, rộng 10 m, từ vị trí đối diện trụ sở Công an huyện Sóc Sơn đến ngã ba trước ngõ 60 đường Núi Đôi.
Liệt sĩ Trần Thị Bắc sinh năm 1932 tại xã Lạc Long, huyện Đa Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc, nay là xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. 17 tuổi, chị tham gia Ban chấp hành phụ nữ xã, du kích xã, được phân công là tổ trưởng du kích.
Năm 1950, chị được cử đi học lớp y tá và gặp anh Trịnh Khanh thuộc một đơn vị đóng quân tại xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn. Ba năm sau họ làm lễ cưới, chiếc giường hạnh phúc thời kháng chiến là ổ rơm. Hai ngày sau đám cưới, chị phải tạm biệt anh, trở về quê làm nhiệm vụ.
Tháng 3/1954, khi đưa đoàn cán bộ qua địa bàn phụ trách, do rơi vào ổ phục kích của địch, chị Bắc hy sinh. Năm 1956, chị được công nhận là liệt sĩ, năm 2018 được truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Nhà thơ Vũ Cao (1922-2007), tên thật là Vũ Hữu Chỉnh quê huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, sáng tác bài thơ “Núi đôi” năm 1955. Tác giả đã nghe câu chuyện từ đồng đội và dân làng Phù Linh về liệt sĩ Trần Thị Bắc hy sinh ở Núi Đôi để bảo vệ đoàn cán bộ. Năm 2007, “Núi đôi” được bình chọn vào danh sách 100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ 20.
Cùng với việc đặt tên cho các đường phố mới, TP Hà Nội đề xuất điều chỉnh độ dài 3 tuyến phố là Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa); Pháo Đài Láng (Đống Đa) và Lệ Mật (Long Biên). Hai công trình công cộng được đặt tên trong đợt này đều thuộc quận Long Biên, gồm công viên Long Biên và Ngọc Thụy.
Theo kế hoạch, dự thảo tờ trình đặt tên, điều chỉnh độ dài một số đường, phố sẽ được trình kỳ họp HĐND thành phố xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 17 vào đầu tháng 7.
Võ Hải
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nguyen-mau-trong-bai-tho-nui-doi-duoc-de-xuat-dat-ten-duong-4758071.html