Nông dân cần trang bị kiến thức tự bảo vệ, bởi những quảng cáo có lãi suất lên tới mấy chục, thậm chí 100%, thì nguy cơ rủi ro, lừa đảo rất cao, theo Thủ tướng.
Tại đối thoại Thủ tướng với nông dân chiều 30/12, ông Trần Văn Tân (Giám đốc HTX dược liệu QueenFarm, Thanh Hóa), phản ánh hiện nay có nhiều hiện tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng. Kẻ xấu lợi dụng tâm lý nhẹ dạ, cả tin, thiếu thông tin, thiếu việc làm hoặc thu nhập thấp của nông dân để đưa ra chiêu trò lừa đảo. Nhiều kẻ xấu bán nông sản trên mạng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái.
“Chính phủ và các ngành chức năng có giải pháp hữu hiệu gì để ngăn chặn và xử lý triệt để tội phạm nêu trên”, ông Tân nêu câu hỏi với Thủ tướng và đại diện các bộ ngành.
Trả lời, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan tiếp tục hoàn thiện quy định để ngăn chặn, xử lý triệt để tội phạm lừa đảo qua mạng. Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông trình sửa đổi nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông dùng biện pháp kỹ thuật ngăn chặn thông tin lừa đảo, xấu độc. Truyền thông vào cuộc nâng cao nhận thức người dân.
Thủ tướng mong người dân trang bị kỹ năng, kiến thức tự bảo vệ trước nguy cơ lừa đảo. Ông lấy ví dụ, “những quảng cáo về lãi suất lên tới mấy chục, thậm chí 100% thì nguy cơ rủi ro, lừa đảo rất cao”.
Theo Thứ trưởng Công an Lê Quốc Hùng, thời gian qua nhiều kẻ xấu lợi dụng không gian mạng tạo website nhái nhằm lừa đảo hoặc dùng logo gần giống với sản phẩm bán chạy, ăn khách trên thị trường. Có đối tượng còn dùng hình thức tín dụng đen, vay qua ứng dụng điện thoại (app).
Ông Hùng cho hay, thực tế việc lừa đảo diễn ra đã lâu. Khi phát hiện, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ vào cuộc xử lý quyết liệt. Nửa đầu năm 2023, nhà chức trách xử lý 1.650 vụ lừa đảo qua điện thoại; 700 vụ tín dụng đen, 400 vụ cho vay nặng lãi qua điện thoại, giao dịch dân sự trên không gian mạng. “Thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng ngày càng tinh vi”, ông Hùng nói.
Để khắc phục, Bộ Công an tham mưu Chính phủ đẩy mạnh xác thực định danh số điện thoại nhằm ngăn ngừa tình trạng lừa đảo trên mạng.
Ông Hùng khuyến cáo “bà con cần tìm hiểu kỹ quy định về giao dịch ngân hàng, giao dịch dân sự trên mạng, sàn điện tử, nắm bắt thủ đoạn của kẻ xấu để phòng ngừa”.
Khung pháp lý cần xây dựng chặt chẽ hơn, “giảm bớt lỗ hổng pháp luật thì kẻ xấu khó chiếm đoạt lừa đảo trên mạng”. Các lực lượng chức năng cần tăng cường xử lý đối tượng lừa đảo qua mạng và sớm nắm bắt các hành vi lừa đảo từ nước ngoài vào Việt Nam.
Về tín dụng cho nông dân, ông Nguyễn Hồng Quyết – nông dân xuất sắc tỉnh Bình Dương 2023, cho biết cá nhân, hộ gia đình trồng cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm được vay tối đa 200 triệu đồng. Trong khi nhiều nông dân sản xuất diện tích lớn đến hàng chục, hàng trăm ha, cần nhu cầu vốn hàng tỷ đồng.
Vì vậy, ông Quyết mong muốn Chính phủ ban hành cơ chế để nông dân được thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai (như sản phẩm thu hoạch) để vay vốn phục vụ sản xuất lớn.
Chung băn khoăn, ông Trần Tiến Sỹ (Chủ tịch Hội Nông dân Quảng Bình), kiến nghị phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp để nông dân sản xuất kinh doanh, tạo thu nhập, nâng cao đời sống, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Trả lời, Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú khẳng định “nguồn lực ngành ngân hàng dành cho nông nghiệp, nông thôn luôn là lĩnh vực ưu tiên, không có bất cứ cơ chế giới hạn nào”.
Tổng dư nợ nền kinh tế hiện khoảng 13,4 triệu tỷ đồng, riêng nông nghiệp đang có tổng dư nợ 3,3 triệu tỷ đồng, tương đương 1/4. Tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp thường xuyên duy trì mức cao, 10-12%.
Tuy nhiên, ông Tú thừa nhận thực tiễn đặt ra yêu cầu mở rộng hơn tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ngân hàng Nhà nước và Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn đang nghiên cứu mở rộng cơ chế cho vay với nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, theo chuỗi giá trị liên kết, ứng dụng công nghệ cao.
Theo Thứ trưởng Tài chính Võ Thành Hưng, thời gian qua các địa phương gặp khó trong bổ sung vốn điều lệ để cho nông dân vay. Sau khi Chính phủ ban hành nghị định về tổ chức và thành lập quỹ này, phần vốn đã được bổ sung thêm 500 tỷ đồng. Đến nay, các quỹ hỗ trợ nông dân cho vay mỗi dự án gần 500 triệu đồng. Thời gian tới, trung ương sẽ bổ sung thêm vốn cho các quỹ hỗ trợ nông dân.
“Phải có chính sách để nông dân tiếp cận tín dụng thuận lợi, đúng địa chỉ, đúng thời điểm, ngân hàng phải có quy định phù hợp”, Thủ tướng nói thêm.
Viết Tuân – Phạm Chiểu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nguy-co-lua-dao-rat-cao-tu-quang-cao-lai-suat-may-chuc-phan-tram-4695371.html