Nhiều người dân vui mừng và kỳ vọng vào những thay đổi tích cực khi bất cập về địa giới hành chính được khắc phục, song một số lại lo lắng cuộc sống có thể bị xáo trộn.
Hà Nội đang triển khai kế hoạch tái cơ cấu mạnh mẽ hệ thống hành chính cấp xã, dự kiến giảm 76% số lượng, từ 526 xuống còn 126 đơn vị mới. Phương án sáp nhập phường, xã đã được công bố tại 30 quận, huyện và đang trong giai đoạn lấy ý kiến nhân dân.
Mục tiêu then chốt của thành phố là thiết lập địa giới hành chính rõ ràng, tạo thuận lợi cho công tác quản lý. Để đạt được điều này, các nguyên tắc sắp xếp được xây dựng dựa trên các yếu tố hiện hữu như trục giao thông, hệ thống sông ngòi, cùng với quy hoạch phát triển đô thị. Phương án sắp xếp hướng đến sự thống nhất trong quản lý nhà nước đối với các khu vực có chức năng đan xen, ví dụ như các cụm công nghiệp hay khu đô thị mới, đồng thời giải quyết tình trạng địa giới chồng chéo, thế cài răng lược, vốn gây không ít bất cập trong quản lý giữa các đơn vị hành chính lân cận.
Sau khi quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm công bố phương án sắp xếp, cư dân chung cư Dreamland Bonanza (23 Duy Tân, quận Nam Từ Liêm) bày tỏ sự phấn khởi khi biết khu nhà của mình sẽ thuộc về phường Cầu Giấy. Chị Thu Hà, một cư dân tại đây, cho biết tòa nhà nằm ở vị trí giáp ranh giữa hai quận. Sự nhập nhằng về địa giới này từng gây bức xúc cho cư dân khi họ mua nhà theo quảng cáo thuộc quận Cầu Giấy nhưng thực tế sổ hồng lại ghi Nam Từ Liêm.
Trong nhiều năm, con em cư dân Dreamland Bonanza gặp khó khăn trong việc tiếp cận các trường công lập chất lượng cao của quận Cầu Giấy dù khoảng cách từ nhà đến trường chỉ vài trăm mét. Nhiều gia đình buộc phải đưa con đi học tại các trường ở quận Nam Từ Liêm cách nhà tới 4-5 km, gây tốn kém thời gian và công sức. Nay, theo quy hoạch mới, đường Phạm Hùng sẽ trở thành ranh giới hành chính, và Dreamland Bonanza được chuyển từ phường Mỹ Đình 2 sang phường Cầu Giấy. Cộng đồng cư dân đã nhanh chóng chia sẻ thông tin về sự thay đổi này và đồng thuận lựa chọn phương án “đồng ý” khi được lấy ý kiến.
“Chúng tôi rất kỳ vọng vào sự điều chỉnh này. Việc thuộc về quận Cầu Giấy sẽ mở ra cơ hội học tập tốt hơn, môi trường giáo dục chất lượng hơn cho con cái ngay gần nhà. Chúng tôi cũng hy vọng giá trị bất động sản nơi mình sinh sống sẽ được nâng cao nhờ vị trí hành chính mới này”, chị Hà chia sẻ.
Người dân chung cư số 23 Duy Tân từng treo băng rôn phản đối chủ đầu tư vì quảng cáo sai địa giới hành chính. Ảnh: NVCC
Tương tự, người dân khu đô thị mới Cổ Nhuế (phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm) cũng bày tỏ vui mừng khi khu đô thị này dự kiến sáp nhập vào phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy. Chị Phương Linh, một cư dân, nhớ lại khi mua nhà, chị tin tưởng khu chung cư thuộc quận Cầu Giấy, nhưng khi nhận sổ hồng lại thuộc phường Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm.
Việc xin học cho hai con vào trường công lập ở Cầu Giấy luôn là một thách thức lớn với chị do không đúng tuyến. Ngoài ra, việc di chuyển đến trụ sở UBND quận Bắc Từ Liêm để giải quyết các thủ tục hành chính cũng mất nhiều thời gian và công sức hơn so với việc đến quận Cầu Giấy, vốn chỉ cách khu đô thị một quãng đường ngắn.
Khu đô thị Cổ Nhuế tiếp giáp các trục giao thông chính như Hoàng Quốc Việt, Trần Cung và gần Bệnh viện E (phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy), cho thấy sự liền kề về mặt địa lý với quận trung tâm. Tuy nhiên, khu đô thị này lại thuộc quận Bắc Từ Liêm gây ra những bất cập trong quản lý và đời sống của người dân.
Việc chuyển khu vực này sang địa bàn quận Cầu Giấy theo chị Linh sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Trẻ em sẽ có điều kiện học tập tốt hơn tại các trường công lập gần nhà. “Mức sống, dân trí và cơ sở hạ tầng của khu đô thị cũng tương đồng với quận Cầu Giấy, do đó, việc sáp nhập này là một bước đi phù hợp, tạo điều kiện cho sự phát triển đồng bộ của khu vực”, chị Linh nhận định.
Tuy nhiên, chị cũng bày tỏ lo ngại về các thủ tục hành chính liên quan đến giấy tờ nhà và nhân thân sau khi chuyển đổi phường. Chị kiến nghị nhà nước có giải pháp hỗ trợ người dân thay đổi nhanh chóng và tiết kiệm chi phí dựa trên nền tảng chuyển đổi số.
Bà Lưu Bích Hạnh, tổ trưởng tổ dân phố Hoàng 7 (phường Cổ Nhuế 1), cho biết người dân khu đô thị Cổ Nhuế ủng hộ việc điều chỉnh địa giới hành chính. Việc xác định đường Phạm Văn Đồng là trục phân chia phường được đánh giá là hợp lý, phù hợp với quy hoạch đô thị hiện đại, giúp quản lý dân cư hiệu quả hơn.
Một phần phường Mai Dịch hiện tại (thuộc quận Cầu Giấy) dọc theo đường Hồ Tùng Mậu, sẽ sáp nhập vào phường Phú Diễn (thuộc quận Bắc Từ Liêm) để hình thành đơn vị hành chính cơ sở Phú Diễn mới.
Bên cạnh những niềm vui và kỳ vọng, một số người dân lại không khỏi lo lắng trước những thay đổi về địa giới hành chính. Theo phương án sắp xếp, phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) dự kiến sẽ sáp nhập vào phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm) để hình thành đơn vị hành chính cơ sở Phú Diễn mới.
Dù trước nay thuộc quận Cầu Giấy, phường Mai Dịch lại tiếp giáp phường Phú Diễn, rất gần với trụ sở quận Bắc Từ Liêm. Việc sáp nhập giúp tạo ra một đơn vị hành chính có ranh giới liền mạch, giảm thiểu tình trạng xen kẽ, “da báo” gây khó khăn trong quản lý.
Dù đồng tình về chủ trương sáp nhập, chị Thu Vân (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) cảm thấy bất an khi con đang học tiểu học có thể không còn cơ hội tiếp tục học tại trường THCS công lập ở quận Cầu Giấy, nơi bé đã quen thuộc với bạn bè và môi trường học tập. “Tôi thực sự mong muốn việc thay đổi địa giới hành chính sẽ giảm thiểu tối đa những xáo trộn đến cuộc sống thường nhật của người dân, đặc biệt là việc học hành của con trẻ”, chị Vân bày tỏ.
Tương tự, một số cư dân phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) cũng lo lắng khi khu vực họ sinh sống có thể được sáp nhập vào một xã của huyện Hoài Đức vì “hộ khẩu phố sẽ phải chuyển thành dân cư nông thôn”. Việc thay đổi này có thể tác động đến diện mạo đô thị và các dịch vụ công cộng tại khu vực.
Ở các huyện ngoại thành, phương án sáp nhập thị trấn với các xã và bỏ đơn vị hành chính thị trấn cũng gây nhiều băn khoăn. Chị Hồng Minh (tổ 21 thị trấn Đông Anh) cho biết người dân địa phương khá bất ngờ khi huyện Đông Anh sắp trở thành quận nhưng lại có phương án điều chỉnh toàn bộ thành xã, xóa bỏ thị trấn Đông Anh. Thêm vào đó, tên dự kiến của các xã mới như Thư Lâm, Phúc Thịnh, Thiên Lộc, Vĩnh Thanh cũng xa lạ với người dân địa phương.
“Chúng tôi kỳ vọng thành phố Hà Nội sẽ xem xét điều chỉnh cấp xã của huyện Đông Anh thành phường và giữ lại những tên gọi mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa, đã trở nên quen thuộc với người dân như Cổ Loa, Uy Nỗ…”, chị Minh nói, nhấn mạnh rằng việc này không chỉ bảo tồn bản sắc địa phương mà còn tạo sự gắn kết và đồng thuận cao hơn trong cộng đồng.
Theo kế hoạch, việc lấy ý kiến nhân dân tại Hà Nội phải hoàn tất chậm nhất ngày 21/4 để báo cáo lên cấp huyện. Cấp huyện tổng hợp và thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, báo cáo kết quả lên UBND thành phố trước ngày 26/4.
UBND TP Hà Nội sẽ hoàn thiện hồ sơ trình HĐND thành phố thông qua chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cơ sở mới, dự kiến xong trong ngày 29/4. Sau đó, thành phố sẽ hoàn thiện đề án và hồ sơ để trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 1/5.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nguoi-ha-noi-mung-lo-truoc-sap-nhap-phuong-xa-4876215.html