Người dân các phường sáp nhập không phải đổi giấy tờ từ ngày 1/1/2025 mà chỉ điều chỉnh khi có nhu cầu, theo lãnh đạo TP HCM.
Nội dung được Phó chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan nêu tại hội nghị triển khai kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025, chiều 26/11.
“Khi sáp nhập phường, các địa phương không thay đổi giấy tờ của người dân ngay mà chỉ điều chỉnh trên cơ sở nhu cầu của họ. Để người dân phường cũ phải xếp hàng chờ nộp hồ sơ là không được”, ông Hoan nói.
Theo Nghị quyết 1278 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TP HCM sắp xếp 80 phường thành 41 phường mới, giảm 39 phường. Các phường thuộc diện sắp xếp thuộc các quận 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận. TP HCM sẽ công bố kế hoạch sáp nhập các phường từ ngày 28 đến 31/12. Từ đầu năm sau, thành phố có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 16 quận, 5 huyện và TP Thủ Đức, 273 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 210 phường, 58 xã và 5 thị trấn.
>> Chi tiết 80 phường sáp nhập
Việc sáp nhập phường tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp nhất là các loạt giấy tờ gắn với địa chỉ như thẻ căn cước, số nhà, giấy tờ nhà đất, tài khoản ngân hàng, địa chỉ in trên danh thiếp, bao bì sản phẩm… Ước tính có hơn 800.000 người dân và doanh nghiệp có thể phải điều chỉnh thông tin giấy tờ do thay đổi địa giới hành chính và tên phường.
Theo ông Hoan, thành phố không có chủ trương buộc mọi người dân phải thay đổi giấy tờ ngay sau khi sáp nhập mà chỉ điều chỉnh khi cần thiết. Do vậy, cơ quan, đơn vị cần sớm thông báo, hướng dẫn thừa nhận giá trị pháp lý các giấy tờ này, chỉ khi có sự kiện pháp lý thì mới điều chỉnh.
Với ngành công an, lãnh đạo UBND TP HCM đề nghị chủ động sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia cập nhật địa chỉ mới trên hệ thống, làm cơ sở để các ngành khác sử dụng. Khi người dân có nhu cầu điều chỉnh, không được thu bất kỳ khoản phí nào.
Về sắp xếp lại cơ sở vật chất khi sáp nhập 2-3 phường, các trường học vẫn giữ nguyên, không nhập lại với nhau. Trạm y tế nhập lại ở một đơn vị nhưng các cơ sở cũ vẫn phải phục vụ cho cả phường. Trụ sở đảng ủy, UBND phường có thể bố trí cơ quan hành chính một nơi, hoạt động cơ quan đảng, đoàn thể một nơi.
Theo ông Hoan, có thể lấy trụ sở phường làm nơi sinh hoạt khu phố, sửa chữa lại để sử dụng, không bỏ hoang, bỏ trống.
Đối với cán bộ, công chức, việc sáp nhập 80 phường sẽ dôi dư hơn 1.000 người. Phó chủ tịch thành phố cho biết công tác sắp xếp cán bộ sẽ được hoàn thành vào năm 2029. Cán bộ, công chức dôi dư ưu tiên bố trí công tác tại địa phương, nếu không còn chỗ thì chuyển lên cấp quận, thành phố nếu đủ điều kiện.
Với những trường hợp phải nghỉ, TP HCM sẽ áp dụng nhiều chính sách để hỗ trợ theo quy định của Trung ương và chính sách hỗ trợ thêm dự kiến thông qua tại kỳ họp HĐND thành phố vào cuối năm.
Lê Tuyết
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nguoi-dan-80-phuong-sap-nhap-o-tp-hcm-khong-can-doi-giay-to-ngay-4820701.html