Người có lương hưu đạt tuổi thọ bình quân 78, cao hơn khoảng 4 năm so với tuổi thọ bình quân của cả nước là 74,7, theo Vụ trưởng BHXH Phạm Trường Giang.
Ngày 5/2, ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết người có lương hưu thì chất lượng cuộc sống và được chăm sóc y tế tốt hơn nên tuổi thọ cao hơn. Khi Nghị quyết 28/2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đi vào thực tiễn và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu thực hiện từ năm 2021, số người nghỉ hưu hưởng lương mỗi năm còn khoảng 77.000, giảm khoảng 30.000 so với trước.
Tuổi thọ bình quân của người hưởng lương hưu được xác định trên tuổi thọ của người nhận hưu trí qua đời trong năm. Thời gian bình quân hưởng của người nghỉ hưu là hơn 26 năm. Lương hưu bình quân của người hưởng từ Quỹ Bảo hiểm xã hội đạt 6,32 triệu đồng mỗi tháng.
Người cao tuổi Hà Nội thư giãn bên vườn hoa Thành Công. Ảnh: Ngọc Thành
Hiện cả nước còn khoảng 8 triệu người già chưa được hưởng chính sách hàng tháng khiến cuộc sống khó khăn. Tốc độ già hóa dân số nhanh trở thành thách thức lớn, hiện cứ 6 người trong độ tuổi lao động (15-59) thì có một người ngoài độ tuổi, nhưng đến năm 2055 mức chênh lệch này là 2-1.
Theo ông Giang, già hóa dân số là bài toán ở nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp chứ không riêng Việt Nam. Nếu duy trì mức hưởng lương hưu và tốc độ trên thì chỉ có hai phương án, hoặc “con cháu phải đóng vào Quỹ Hưu trí tử tuất gấp ba lần hiện hành, tức 66% thay vì 22%”, hoặc cải cách để giảm gánh nặng cho thế hệ sau.
Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi vì thế có nhiều thay đổi trong chính sách nhằm mở rộng diện bao phủ hưu trí. Đơn cử nhóm đủ 60 đến dưới 75 tuổi đóng BHXH nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu thì được hưởng trợ cấp hàng tháng; hạ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75, dự kiến thêm 1,2 triệu người già thụ hưởng…
Năm 2024, tuổi thọ bình quân của cả nước là 74,7, trong đó nam giới 72,3, nữ giới 77,3, theo Tổng cục Thống kê. Lương hưu bình quân người Việt đạt gần 7 triệu đồng mỗi tháng, tính cả lực lượng vũ trang; nếu tách riêng dân sự thì tiền hưởng thấp hơn, đạt khoảng 6,2 triệu đồng. Lương hưu tăng chủ yếu do nhà nước điều chỉnh, như tháng 7/2023 tăng 12,5% và một năm sau điều chỉnh thêm 15%.
Cả nước có gần 3,4 triệu người hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp BHXH hàng tháng. Từ năm 1995 đến hết 2023, Quốc hội, Chính phủ đã 23 lần điều chỉnh lương hưu. Tỷ lệ hưởng lương hưu của người Việt thuộc nhóm cao nhất Đông Nam Á, tối đa 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH với nam đóng đủ 35 năm và nữ 30 năm, theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Song mức hưởng lương hưu của người Việt thuộc nhóm trung bình do tiền đóng bảo hiểm chưa cao, chủ yếu tăng do điều chỉnh lương cơ sở và tối thiểu.
Hết năm 2023, bình quân tiền lương tính đóng BHXH của lao động khu vực nhà nước đạt 6,9 triệu đồng; lao động khối doanh nghiệp, hợp tác xã gần 6,4 triệu đồng.
Hồng Chiêu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nguoi-co-luong-huu-song-tho-hon-4-nam-so-voi-binh-quan-chung-4846401.html