Thủ tướng yêu cầu các cơ quan nghiên cứu kỹ để xem xét quy hoạch, xây dựng thêm một sân bay quốc tế mới tại phía nam đồng bằng sông Hồng.
Chủ trì Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng chiều 7/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói phía bắc vùng đã có ba sân bay Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi, nên cần nghiên cứu xây thêm sân bay ở phía nam.
Hồi tháng 7, quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không toàn quốc được công bố với 30 cảng đến năm 2030 và 33 cảng đến năm 2050. Vùng Thủ đô Hà Nội dự kiến bổ sung sân bay nội địa thứ hai để hỗ trợ Nội Bài khi đạt quy mô khoảng 100 triệu hành khách mỗi năm, đáp ứng mục tiêu hình thành hai trung tâm vận tải hàng không đầu mối trung chuyển quốc tế tầm cỡ khu vực tại vùng Hà Nội và TP HCM.
Ba phương án vị trí sân bay thứ hai đang được Hà Nội nghiên cứu. Phương án một tại xã Tân Ước, Thanh Vân (Thanh Oai) và xã Tiền Phong, Tân Minh (Thường Tín), diện tích 1.300 ha. Phương án 2A, phía bắc của trục cao tốc Tây Bắc – quốc lộ 5, thuộc các xã Tân Dân, Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên và Đồng Tân, Minh Đức, Trung Tú, huyện Ứng Hòa, diện tích 1.700 ha. Phương án 2B tại xã Đồng Tân, Minh Đức, Trầm Lộng, Kim Đường, Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa.
Lãnh đạo Chính phủ cho rằng đồng bằng sông Hồng diện tích nhỏ dân số lớn, mật độ lớn nhất cả nước. Vì vậy vùng cần khai thác không gian ngầm như tàu điện ngầm, đường sắt trên cao.
Ông yêu cầu các cơ quan làm rõ những động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; chuyển đổi năng lượng mới, phát triển công nghiệp tái tạo (nắng, gió, hydrogen); phát triển hệ sinh thái để phát triển kinh tế nông nghiệp trên cơ sở phát huy văn minh lúa nước. Các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình có thể nghiên cứu lấn biển tạo không gian phát triển với quỹ đất mới.
Ba tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương cần sớm trình UNESCO công nhận quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh nghiêm – Côn Sơn – Kiếp Bạc là di sản thế giới.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng tập trung phát triển công nghiệp và dịch vụ hiện đại; điện tử, sản xuất phần mềm, trí tuệ nhân tạo; ôtô, công nghiệp hỗ trợ; logistics, tài chính, ngân hàng; du lịch, viễn thông; đào tạo chất lượng cao, y tế chuyên sâu.
Đồng bằng sông Hồng được định hướng là trung tâm dịch vụ hiện đại của Đông Nam Á. Trong đó, Hà Nội là trung tâm chính trị – hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, kinh tế, giao dịch quốc tế. Hải Phòng – Quảng Ninh là trung tâm kinh tế biển hiện đại hàng đầu Đồng Nam Á, tầm quốc tế.