An GiangNghề làm đường thốt nốt của đồng bào Khmer tại hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thốt nốt là cây biểu trưng của miền biên viễn An Giang. Khi lớn cây vươn cao 30 m, tuổi thọ trên 100 năm; chịu khô hạn, ngập nước, ưa nắng nhưng không chịu rét. Cây non ban đầu sinh trưởng chậm, về sau mọc nhanh hơn. Phải hơn 30 năm tuổi cây mới cho trái nên người địa phương thường ví là “cây ông trồng cháu hưởng”.
Ngoài mật hoa làm đường thốt nốt, trái làm thực phẩm, thân cây có thể làm vật liệu xây nhà, thủ công mỹ nghệ, lá dùng làm chất đốt. Tại huyện Tri Tôn và Tịnh Biên thống kê có gần 70.000 cây thốt nốt, mỗi năm thu hoạch khoảng 8.000 tấn đường.
Nghề làm đường thốt nốt của đồng bào Khmer cũng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ 8 của An Giang sau: lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam; hội đua bò Bảy Núi, tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của đồng bào dân tộc Khmer; lễ hội kỳ yên ở đình thần Thoại Ngọc Hầu (huyện Thoại Sơn); nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam thị xã Tân Châu và huyện An Phú; nghề dệt thổ cẩm của người Chăm xã Châu Phong (thị xã Tân Châu); nghệ thuật trình diễn sân khấu Dì Kê của người Khmer xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn).
Ngọc Tài
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nghe-lam-duong-thot-not-cua-nguoi-khmer-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-4821589.html