Mặn đến sớm gần một tháng tại Bến Tre, Tiền Giang ảnh hưởng nước sinh hoạt, đe dọa nhiều diện tích lúa, cây ăn trái vào vụ thu hoạch bán Tết.
Trưa 30/12, ông Trần Long Sơn, 62 tuổi ở ấp Long Hội (Giao Long, Châu Thành, Bến Tre) dùng vòi phun áp lực cao xịt vệ sinh rêu nấm bám vào thân bưởi. “Nước dưới mương cạn, nước máy bị nhiễm mặn hơn 2 phần nghìn nhưng phải dùng vì năm nay mặn đến sớm không kịp trữ nước ngọt”, ông Sơn nói.
Vườn bưởi hơn 3.000 m2 của gia đình ông Sơn đã được 10 năm. Những năm trước vào dịp Tết Nguyên đán, cây cho 5-6 tấn trái, trừ chi phí ông thu lãi 30-40 triệu đồng. Những năm gần đây, nhiều lần hạn mặn nhất là đợt năm 2019-2020 khiến cây trong vườn suy yếu, năng suất giảm.
Năm nay chủ vườn bỏ chi phí khoảng 50 triệu đồng bón phân, phun thuốc nhưng cây phát triển èo uột. Một tuần qua mặn trên sông Tiền diễn ra bất thường, thời điểm cao nhất lên đến gần 10 phần nghìn, thấp nhất hơn 2 phần nghìn, chủ vườn không thể dẫn nước từ sông vào mương tưới cây.
Theo ông Sơn, khác với cây dừa có thể chịu được khô hạn trong thời gian dài, lứa bưởi đang cho trái vụ Tết nếu thiếu nước bị giảm năng suất. Ước tính vụ Tết năm nay toàn bộ vườn bưởi chỉ có thể vớt vát vài trăm kg, xem như lỗ vốn. Nếu tình trạng này kéo dài cây còn nguy cơ chết.
Cách nhà ông Sơn khoảng 100 m, ông Huỳnh Ngọc Quang, 54 tuổi, cho hay gia đình có hồ xi măng trữ 2 khối nước mưa dành cho mùa hạn. Tuy nhiên, một tuần qua gia đình ông phải xả nước mưa để nấu ăn vì nước máy bị mặn. “Nhà có ôtô nhưng không dám rửa, đồ đạc bằng kim loại trong nhà xài nước mặn cũng rất mau rỉ sét”, ông Quang nói.
Ông Nguyễn Anh Quốc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện, thông tin địa phương có hơn 15.500 ha diện tích cây ăn quả, chủ yếu là dừa hơn 8.500 ha và bưởi 3.500 ha đều có hệ thống cống ngăn mặn bảo vệ.
Năm nay, một phần khu vực xã Giao Long và xã Trường Đa, mặn cao bất thường còn đến sớm so với dự báo của địa phương gần một tháng nên khiến nhà vườn gặp khó khăn. Hiện có khoảng 300 ha bưởi tại hai địa phương nói trên có nguy cơ bị đe dọa. Theo ông Quốc, độ mặn chỉ lên cao trong khoảng một ngày sau đó hạ xuống chứ không kéo dài.
Chính quyền các khu vực bị ảnh hưởng lập các nhóm zalo từ xã đến ấp, kịp thời thông báo khi độ mặn trên sông giảm để người dân chủ động lấy nước trữ cho mùa hạn mặn còn dài phía trước.
Tình trạng mặn đến sớm cũng xảy ra ở một số địa phương ở Tiền Giang. Nửa tháng nay, độ mặn 0,43 phần nghìn đã xuất hiện tại khu vực cống Xuân Hòa (Chợ Gạo), cao hơn cùng kỳ các năm 2015, 2022, 2023. Độ mặn 0,6 phần nghìn cũng xâm nhập TP Mỹ Tho. Ngành chức năng nhận định năm nay mặn đến sớm hơn cùng kỳ khoảng 25 ngày.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang cho hay từ ngày 20 đến 27/12, vùng ngọt hóa Gò Công xuống giống vụ đông xuân gần 1.700 ha, còn lại hơn 800 ha đang thu hoạch sau đó xuống giống. Nếu trong tháng 2 và 3/2025 diễn biến mặn phức tạp không thể lấy được nước ngọt cấp cho vùng này, diện tích lúa nói trên nguy cơ bị ảnh hưởng.
Ông Võ Văn Thông, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Tiền Giang, thông tin từ cuối tháng 12 đến 2/2025, tổng lượng dòng chảy từ sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long giảm dần, ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-20%. Hai tháng sau đó, lượng nước tiếp tục về đồng bằng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5-15%.
Cộng với giai đoạn này gió mùa Đông Bắc hoạt động liên tục nên tháng 12 một số khu vực miền Tây xảy ra hai đợt xâm nhập mặn bất thường. Dự báo, tình hình xâm nhập mặn mùa khô 2024-2025 mức cao hơn trung bình nhiều năm trước, tương đương và có lúc cao hơn mùa khô 2023-2024.
Đợt khô hạn diễn ra đầu năm nay, xâm nhập mặn ở miền Tây không quá gay gắt, song kéo dài ảnh hưởng lớn đời sống, sản xuất của người dân. Hàng chục nghìn hộ dân thiếu nước, nhiều diện tích cây trồng khô hạn. Các địa phương như Long An, Tiền Giang và Cà Mau công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, triển khai những biện pháp ứng phó để ngăn chặn và khắc phục hậu quả.
Nam An
Nguồn tin: https://vnexpress.net/man-den-som-nha-vuon-mien-tay-khong-kip-tro-tay-4833806.html