Du lịch xanh là cách giúp ĐBSCL phát triển kinh tế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn văn hóa, bản sắc.
Tại buổi tập huấn thuộc khuôn khổ “Diễn đàn khởi nghiệp ĐBSCL 2024” (Mekong Startup Forum – MSF) hôm 7/11, chuyên gia Phan Yến Ly chỉ ra du lịch xanh là cách giúp Việt Nam phát triển kinh tế bền vững, nâng cao hình ảnh quốc gia, địa phương lẫn doanh nghiệp. Đó cũng là cách bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Với khu vực trọng điểm ĐBSCL, du lịch bền vững là tất yếu khi đứng trước áp lực từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dẫn đến tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn, lở đất, lũ thất thường…
Theo UN Tourism, du lịch xanh là loại hình không gây tổn hại môi trường trong quá trình vận hành, phát triển đi kèm bảo vệ, tôn trọng môi trường, duy trì cuộc sống của người dân theo hướng bền vững. Ở mức độ cao hơn cần hướng tới mục tiêu giảm thiểu, loại bỏ khí thải carbon (Net Zero) cùng loạt tác động tiêu cực tới hoạt động du lịch.
Theo chuyên gia Yến Ly, hiện có 4 mô hình xanh phù hợp ĐBSCL gồm: du lịch sinh thái; du lịch khám phá, mạo hiểm; du lịch văn hóa; du lịch cộng đồng.
Từ mục tiêu trên, bà Yến Ly gợi ý 5 bước xây dựng mô hình du lịch bền vững, có trách nhiệm. Lộ trình này dành cho các công ty lữ hành, đơn vị lưu trú, doanh nghiệp ẩm thực, điểm đến du lịch; và M.I.C.E (viết tắt của Meetings, Incentives, Conferences, Exhibitions – loại hình du lịch kết hợp họp, hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện hay chuyến du lịch khen thưởng của công ty).
Đầu tiên, các đơn vị cần đánh giá hiện trạng và xác định mục tiêu. Cụ thể, đánh giá tác động, xác định điểm mạnh, điểm yếu và đặt mục tiêu rõ ràng.
Bước hai, xây dựng chiến lược: chọn các lĩnh vực ưu tiên; phát triển các sản phẩm, dịch vụ bền vững; tạo ra trải nghiệm du lịch có ý nghĩa.
Bước ba, thực hiện các hoạt động cụ thể gồm: quản lý chất thải; tiết kiệm năng lượng; dùng nước tiết kiệm; bảo tồn đa dạng sinh học; hỗ trợ cộng đồng địa phương; giáo dục và nâng cao nhận thức.
Bước bốn, đo lường và đánh giá: thiết lập các chỉ số đo lường; thu thập dữ liệu; điều chỉnh chiến lược
Cuối cùng, cần truyền thông về các hoạt động bền vững và hợp tác với các tổ chức có tiếng.
Đại diện các doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể có thể tìm hiểu sâu thông tin tại tọa đàm chủ đề “Sáng kiến du lịch Mekong xanh” ở Nhà văn hóa Lao Động Đồng Tháp, chiều 15/11. Chuyên gia sẽ thảo luận nhận diện bối cảnh, thách thức, cơ hội, gắn kết ý tưởng giữa các bên để định hình sáng kiến, mô hình kinh doanh thúc đẩy kinh tế, du lịch xanh ở ĐBSCL.
Một ngày sau đó là phiên toàn thể chủ đề “Kinh tế xanh – Động lực mới cho phát triển”. Các chuyên gia sẽ trao đổi về cơ chế, chính sách, phương thức kích hoạt năng lực đổi mới sáng tạo và cộng hợp nguồn lực hiệu quả nhằm phát triển kinh tế xanh ĐBSCL.
Mekong Startup 2024 được cố vấn nội dung bởi Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ. Sự kiện dự kiến thu hút hơn 350 đại biểu từ Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia lẫn doanh nghiệp.
Ban tổ chức sẽ liên tục cập nhật tin tức, dấu ấn quan trọng của diễn đàn ở website chính thức.
Đông Vệ
Nguồn tin: https://vnexpress.net/lo-trinh-xay-dung-mo-hinh-du-lich-ben-vung-co-trach-nhiem-4814726.html