Nam giới đóng BHXH từ đủ 15 đến dưới 20 năm, bắt đầu lĩnh lương hưu giai đoạn 1/7/2025-31/12/2029 có thể được điều chỉnh mức hưởng để thu hẹp khoảng cách với nữ.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội mới nhất bổ sung quy định giao Chính phủ ban hành chính sách điều chỉnh lương hưu với lao động nam có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) mà hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2025 đến 31/12/2029 và bị tác động bất lợi so với lao động nữ. Nguồn kinh phí thực hiện do Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả.
Việc điều chỉnh nhằm tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội rằng hạ thời gian đóng BHXH xuống 15 năm tạo ra sự chênh lệch lớn trong thụ hưởng lương hưu giữa nam và nữ. Cùng mức hưởng 45% hưu trí, nhưng nữ đóng BHXH 15 năm, nam cần tới 20 năm. Nếu đóng đủ 15 năm, đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, lao động nam sẽ hưởng 33,75% tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH.
Lao động hưởng thêm 2% cho mỗi năm tham gia sau đó, cho đến khi đạt mức lương hưu tối đa 75%. Đồng nghĩa lao động nam đóng 35 năm BHXH và nữ 30 năm để hưởng hưu trí tối đa 75%.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định thị trường lao động chưa thực sự ổn định, người làm việc trong khu vực phi chính thức cao, số lao động rút BHXH một lần mỗi năm lớn. Nhiều người bị doanh nghiệp cắt hợp đồng khi 45-50 tuổi.
Hậu quả là một bộ phận lao động nam đến tuổi nghỉ hưu chỉ đóng từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm hoặc có thể kéo dài hơn, nhưng khi nghỉ hưu sẽ rất thiệt thòi, hệ thống an sinh cũng mất tính hấp dẫn. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị điều chỉnh mức hưởng lương hưu của nam cho phù hợp. Mức điều chỉnh cụ thể sẽ do Chính phủ ban hành hướng dẫn chi tiết.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội mới nhất cũng bổ sung quy định điều kiện và mức hưởng lương hưu của lao động một số nghề, công việc đặc thù thuộc lực lượng vũ trang, do Chính phủ quy định chi tiết. Kinh phí trích từ ngân sách.
Trước đó đại biểu đề nghị sửa đổi quy định nhằm bảo vệ quyền lợi cho sĩ quan, chiến sĩ quân đội. Lý do hoạt động quân sự có tính chất đặc thù, tuyển dụng khó, làm việc môi trường khắc nghiệt. Các quân nhân phải đáp ứng yêu cầu khắt khe về sức khỏe, đặc biệt là các chuyên ngành đặc công, phòng không – không quân, hải quân, hóa học, tăng thiết giáp, radar, tàu ngầm.
Nhiều lĩnh vực sử dụng người không quá 40 tuổi, như chiến đấu viên đặc công, thủy thủ tàu ngầm. Tuổi phục vụ của một số nhóm cũng dao động 46-52. Hết tuổi này, họ không được bố trí hoặc điều động vào vị trí có quân hàm cao hơn thì sẽ phải nghỉ chế độ để người khác thay thế.
Dự thảo mới nhất giữ nguyên quy định trợ cấp một lần khi nghỉ hưu với lao động đã đóng vượt trần 35 năm BHXH với nam và 30 năm với nữ, dù trước đó nhiều đại biểu đề nghị nâng mức trợ cấp. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mức trợ cấp này đã được tính toán, đánh giá để đảm bảo khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm xã hội trong dài hạn, phù hợp nguyên tắc đóng – hưởng.
Như vậy, người lao động mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi vẫn bị trừ 2% tỷ lệ hưởng, nhưng đóng vượt khung 30-35 năm thì ngoài lương hưu chỉ được trợ cấp bằng 0,5 lần bình quân tiền lương đóng BHXH.
Theo thống kê của ngành bảo hiểm xã hội, chênh lệch giữa số người đóng và người hưởng lương hưu ngày càng ít đi. Năm 1996 có 217 người đóng BHXH thì một người hưởng, năm 2000 số người đóng giảm còn 34; năm 2016 còn 9 người và hiện tại còn khoảng 6,5 người đóng cho một người hưởng.
Hồng Chiêu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/lao-dong-nam-co-the-duoc-bu-luong-huu-de-giam-chenh-lech-voi-nu-4759374.html