Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng những vật dụng phục vụ lao động sản xuất không nên gọi là vũ khí thô sơ vì đó chỉ là công cụ sản xuất.
Thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 3/6 về Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó chủ tịch Hội luật gia tỉnh Đồng Tháp, đề nghị giải thích từ ngữ về vũ khí, vũ khí thô sơ rõ ràng hơn.
Theo ông, ban soạn thảo đang gộp vũ khí của lực lượng vũ trang, hung khí của tội phạm và công cụ sinh hoạt của gia đình, công cụ lao động sản xuất của người dân thành “vũ khí thô sơ” là không hợp lý. “Người lao động sản xuất, mua bán, vận chuyển dao dài để đi lao động, sản xuất kinh doanh thì sao? Họ vận chuyển các công cụ như dao nhọn để đi sản xuất thì cấm là rất khó”, ông nói, đề nghị xem xét thật kỹ để khi luật ra đời không ảnh hưởng đến người dân.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đoàn Bình Định cũng cho rằng quy định dao 20 cm trở lên là vũ khí thô sơ là chưa hợp lý. Khi đó tội phạm sẽ sử dụng vũ khí thô sơ theo quy định hiện hành bởi “vũ khí thô sơ có lợi thế hơn trong các cuộc ẩu đả”. Nhiều người cũng chọn cách dùng dao nhỏ gọn hơn để giải quyết mâu thuẫn.
Nhằm “phòng ngừa là chính” và tạo điều kiện cho người dân dùng dao để lao động sản xuất, ông Cảnh đề nghị không coi dao hoặc vật dụng sắc nhọn đang dùng hàng ngày là vũ khí thô sơ. Chỉ trong trường hợp người cầm dao, vật sắc nhọn ở hoàn cảnh “được suy đoán” là không vì mục đích lao động thì lúc đó dao mới là vũ khí thô sơ.
“Ranh giới giữa vật dụng thông thường và vũ khí thô sơ đều do người dân quyết định. Khi người dân cầm dao trên tay không vì mục đích lao động nhưng sau đó lại bỏ dao xuống để tránh các thương vong thì không coi đây là vũ khí thô sơ. Nếu quy định được rõ hơn như thế thì sẽ có hiệu quả hơn trong phòng chống tội phạm”, ông Cảnh nói.
Theo dự thảo, dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ, gồm dao sắc hoặc nhọn có chiều dài lưỡi từ 20 cm hoặc được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao. Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao phải khai báo về số lượng, chủng loại, nhãn hiệu, tên cơ sở sản xuất với công an xã, phường, thị trấn sở tại. Quy định này nhằm quản lý chặt chẽ, không để tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội.
Bộ Công an giải thích rằng dao có tính sát thương cao là phương tiện lưỡng dụng được người dân sử dụng phổ biến trong lao động, sản xuất, sinh hoạt. Do đó, tổ chức, cá nhân khi sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu dao có tính sát thương cao thuộc danh mục do Bộ trưởng Công an ban hành phải khai báo để công an xã, phường, thị trấn nắm bắt.
Người dân khi sử dụng dao có tính sát thương cao trong lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không phải khai báo. Quy định nói trên “là biện pháp phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm nhưng vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân”.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/khong-nen-goi-dao-dung-trong-lao-dong-la-vu-khi-tho-so-4753662.html