Đề án vị trí việc làm ở một số cơ quan mất cân đối khi quá nửa là quản lý, không có người làm chuyên môn, theo đại biểu Đồng Ngọc Ba.
Tại phiên họp tổ về tình hình phát triển kinh tế xã hội sáng 23/5, Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba ghi nhận nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan trong việc cơ cấu đội ngũ cán bộ công chức, hướng đến “đúng người, đúng việc, rõ quy trình”. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo ngại về chất lượng và sự phù hợp của đội ngũ cán bộ hiện tại. “Sắp xếp vị trí việc làm chính xác là tiền đề cho cải cách tiền lương. Nếu xác định sai vị trí, hệ quả tiêu cực sẽ ảnh hưởng lâu dài”, ông nói.
Theo ông Ba, thực tế việc tinh giản biên chế chưa gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Nhiều cơ quan, đơn vị đã có đề án vị trí việc làm, nhưng tỷ lệ quản lý quá cao. “Có nơi lãnh đạo chiếm 50% trong bộ máy, có nơi còn không có nhân viên”. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị tự xây dựng đề án vị trí việc làm chủ yếu căn cứ vào biên chế thực tế để mô tả, hợp thức hóa biên chế hiện có.
Ông Đồng Ngọc Ba cho biết nhiều cán bộ, công chức phụ trách việc nặng, quan trọng nhưng lại lo lắng sẽ bị giảm thu nhập khi áp dụng chế độ tiền lương mới. Hiện nay, ngoài lương họ còn có thu nhập khác, nhưng theo cải cách tiền lương thì sẽ chỉ còn lương. “Thu nhập thực tế của nhiều vị trí sẽ giảm. Đây là lo ngại thực tế của người lao động, điều này có thể do vị trí việc làm chưa ổn”, ông Ba nêu quan điểm.
Thường trực Ủy ban Pháp luật kiến nghị Chính phủ, Quốc hội rà soát để đánh giá lại chất lượng vị trí việc làm trong bộ máy, đảm bảo thực hiện hiệu quả chính sách cải cách tiền lương.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương) cũng cho rằng các cơ quan đang thực hiện cải cách tổ chức bộ máy “rất ráo riết, nhưng lại nhưng mang tính hình thức nhiều hơn”. Việc sắp xếp, tổ chức mới tính đến đưa ra khỏi biên chế những người sắp nghỉ hưu, người đau ốm không có khả năng làm việc. Trong khi đó vị trí, người không thực sự cần thiết, không có năng lực, làm việc không hiệu quả vẫn chưa thể loại bỏ.
“Từng làm quản lý nên tôi biết, xây dựng vị trí việc làm thì tổ chức cán bộ là công việc hàng đầu, lý thuyết thì rất hay nhưng làm được rất khó”, ông Trí nói.
Dẫn kinh nghiệm của tổ chức tư nhân, ông Trí cho rằng họ có cách làm khác. Khi thực sự có nhu cầu về vị trí việc làm, doanh nghiệp tư nhân sẽ tìm đúng người có thể đảm đương để bổ nhiệm. Khi họ làm thử mà không hiệu quả thì sẽ cho thôi. Vì vậy, ông đề nghị xem lại cách thức xây dựng vị trí việc làm hiện nay “có gây trì trệ và có tạo được sự đổi mới không”.
Toàn hệ thống chính trị có 2,234 triệu biên chế, trong đó hơn 336.320 cán bộ, công chức; 1,68 triệu viên chức; 205.570 cán bộ, công chức cấp xã… Theo quy định của Chính phủ năm 2020, căn cứ xác định vị trí việc làm của công chức dựa trên nhiều yếu tố như mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ.
Có hai cách phân loại vị trí việc làm. Đầu tiên là theo khối lượng công việc, như dựa theo vị trí do một người đảm nhiệm; vị trí nhiều người đảm nhiệm; việc làm kiêm nhiệm. Cách thứ hai là phân loại theo tính chất, nội dung công việc như vị trí lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên ngành; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ.
Bộ Nội vụ cho biết có 861 vị trí việc làm cán bộ, công chức, trong đó nhóm lãnh đạo, quản lý có 137; nhóm công chức nghiệp vụ chuyên ngành 665; nhóm công chức nghiệp vụ chuyên môn dùng chung 37; nhóm hỗ trợ, phục vụ 22 vị trí. Cán bộ, công chức cấp xã có 17 vị trí, trong đó 11 vị trí cán bộ chuyên trách, 6 vị trí công chức xã.
Từ ngày 1/7, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được trả lương theo vị trí việc làm thay vì hệ số cào bằng hiện nay.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/kho-cai-cach-tien-luong-neu-nguoi-quan-ly-dong-hon-nguoi-lam-chuyen-mon-4749598.html