Gần 70% lao động trong độ tuổi chưa được thu thập thông tin về việc làm khiến họ khó tiếp cận và thụ hưởng các chính sách xã hội.
Trong dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đang lấy ý kiến, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội dành một chương về đăng ký lao động nhằm quản lý nguồn lực, bảo đảm chính sách cho họ. Cả nước hiện có 52,1 triệu lao động, song mới gần 17,5 triệu người đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) có thông tin. Còn lại hơn 34 triệu người thuộc khối phi chính thức chưa được thu thập và quản lý thông tin.
Thực tế trên bộc lộ nhiều bất cập, nhất là khi giải ngân các gói hỗ trợ trong đại dịch Covid. Ngoài gói 38.000 tỷ đồng trích từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp giải ngân vượt dự kiến do có sẵn thông tin trong hệ thông, các gói còn lại tỷ lệ giải ngân rất thấp vì thiếu thông tin.
Đơn cử lao động tự do – nhóm chịu tác động sâu nhất lại khó tiếp cận nhất do không biết họ ở đâu, làm gì. Lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khi tổng kết gói 62.000 tỷ đồng từng thừa nhận “có tổ trưởng dân phố đi gần chục lần mới gặp được lao động để khảo sát rồi mới hỗ trợ”.
Đăng ký lao động sẽ áp dụng cho cả người có hợp đồng chính thức lẫn khối phi chính thức, gồm bốn nhóm thông tin: Cơ bản gồm họ tên, định danh cá nhân, nơi ở hiện tại; chuyên môn gồm giáo dục phổ thông, nghề nghiệp, đại học hoặc chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; việc làm gồm công việc cụ thể, nơi làm việc; cuối cùng là thông tin BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Thông tin đăng ký được cập nhật vào cơ sở dữ liệu về người lao động, liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia. Đây được coi là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo vệ, do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội còn đề xuất đưa ba nhóm lao động vào diện đóng BHTN, gồm: Người có giao kết hợp đồng xác định thời hạn từ một tháng trở lên; người làm việc không trọn thời gian mà có tổng tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn lương đóng BHXH bắt buộc, thấp nhất bằng một nửa lương tối thiểu tháng vùng I; quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hưởng tiền lương.
Đề xuất nhằm mở rộng diện bao phủ khi số người tham gia BHTN mới đạt 32,5% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong khi mục tiêu đến năm 2030 bao phủ 45%. Theo cơ quan soạn thảo, luật hiện hành chưa đưa lao động có hợp đồng đủ một đến dưới ba tháng vào diện đóng BHTN, trong khi đây là nhóm có nguy cơ mất việc làm cao, cũng đã được đóng BHXH bắt buộc.
Ngoài mở rộng diện đóng, Ban soạn thảo dự luật Việc làm sửa đổi tính tới không cố định mức đóng BHTN 1% như hiện hành mà linh hoạt, tối đa 1%. Cả nước có 14,7 triệu người đóng BHTN. Giai đoạn 2015-2023, lao động tham gia tăng bình quân 6% mỗi năm.
Hồng Chiêu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/hon-34-trieu-lao-dong-chua-co-thong-tin-4725515.html