Năm 2024, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đón hơn 7 triệu lượt hành khách, tăng gần một triệu so với năm 2023, cao nhất từ trước đến nay.
Theo báo cáo hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2024, VNR tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Trong đó hành khách đi tàu đạt hơn 7 triệu lượt, tăng 14% so với kế hoạch và cùng kỳ năm 2023. Vận chuyển hàng hóa đạt trên 5 triệu tấn, vượt 7,1% kế hoạch và 11,4% cùng kỳ.
Doanh thu hợp nhất của VNR đạt gần 9.700 tỷ đồng, tăng 7,8% so với kế hoạch và 7,9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 220 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận của Công ty mẹ – Tổng công ty ước đạt 6 tỷ đồng. Thu nhập bình quân người lao động đạt gần 13 triệu đồng/tháng, tăng 11% so với cùng kỳ.
Lượng khách và doanh thu tăng cao là nhờ doanh nghiệp áp dụng chính sách giá vé thu hút nhu cầu vào các ngày thấp điểm, giảm đến 50% giá vé tùy loại chỗ. VNR đã đưa vào khai thác nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, kết hợp phục vụ khách du lịch như đoàn tàu SE21/22 chạy TP HCM – Đà Nẵng, đoàn tàu kết nối di sản miền Trung giữa Huế – Đà Nẵng; hành trình đêm Đà Lạt; tàu du lịch hạng sang Sjourney; đưa đoàn tàu La Reine khai thác trên tuyến Đà Lạt – Trại Mát…
Các đơn vị đường sắt đã nâng cấp nội thất toa xe để khai thác các đoàn tàu chất lượng cao. Trên tàu bố trí nhân viên chuyên trách vệ sinh để đảm bảo vệ sinh toa xe. Trong dịp Tết nguyên đán, các đơn vị đã tổ chức bán vé tàu Tết sớm hơn mọi năm để phục vụ nhu cầu người dân.
Với mảng hàng hóa, các đơn vị vận tải tiếp tục nâng cao sản lượng vận tải, đặc biệt là hàng liên vận quốc tế bằng đường sắt, tổ chức các đôi tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa, nông sản từ Sóng Thần đi Trung Quốc và các đoàn tàu chuyên tuyến vận chuyển khí hóa lỏng từ Trảng Bom ra phía Bắc.
Từ 1/11/2024, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt đã chính thức đi vào hoạt động, trên cơ sở hợp nhất Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn theo phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả.
Với trọng tâm chuyển đổi số, ngành đường sắt đã ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tạo thuận lợi và gia tăng trải nghiệm cho khách hàng dịch vụ tin nhắn chăm sóc khách hàng qua Zalo; bán vé qua bản đồ Google Maps; đưa vào khai thác sàn giao dịch vận tải hàng hóa; wifi miễn phí trên tàu SE21/22… nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.
Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc VNR, cho biết thời gian tới, ngành tiếp tục huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho đường sắt, như phối hợp với các doanh nghiệp, chính quyền địa phương xây dựng các sản phẩm du lịch kết hợp chạy tàu an sinh, góp phần quảng bá cho hình ảnh du lịch Việt Nam. Đồng thời, các đơn vị sẽ nâng chất lượng dịch vụ trên tàu như bỏ ghế phụ, cải thiện chất lượng bữa ăn, dịch vụ toa xe… nhằm thu hút khách đi tàu.
Năm 2025, ngành đường sắt đẩy mạnh nâng cấp hạ tầng trên tuyến đường sắt Bắc Nam và sửa chữa lại các nhà ga, ke ga, kho bãi hàng tại một số ga trọng điểm ở phía bắc sông Hồng. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu đạt 9.407 tỷ đồng, trong đó sản lượng vận tải tăng khoảng 105%.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/hanh-khach-di-tau-hoa-tang-ky-luc-4836123.html