Đường hẹp, thiếu làn dừng khẩn cấp và camera giám sát là những bất cập trên cao tốc được phân kỳ đầu tư quy mô hai làn hoặc bốn làn xe hạn chế.
Những năm qua, một số dự án cao tốc được xây dựng giúp ôtô lưu thông thuận lợi, tăng kết nối vùng, mở ra không gian phát triển mới cho địa phương. Tuy nhiên, do phân kỳ đầu tư nên trong giai đoạn một, 5 dự án mới có hai làn xe, gồm: Cam Lộ – La Sơn, La Sơn – Túy Loan, Yên Bái – Lào Cai, Thái Nguyên – Chợ Mới, Hòa Lạc – Hòa Bình.
8 dự án cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn một (2017-2020) đi qua khu vực Thanh Hóa – Hà Tĩnh, Nha Trang – Bình Thuận cùng hai dự án Trung Lương – Mỹ Thuận, Mỹ Thuận – Cần Thơ hiện mới có bốn làn xe hạn chế (không có làn dừng khẩn cấp mà bố trí các điểm dừng), tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Không có dải phân cách
Theo thiết kế, cao tốc hai làn xe, mặt cắt ngang rộng 12 m không bắt buộc phải có dải phân cách giữa. Vì thế 5 tuyến cao tốc hai làn xe đều không bố trí hạng mục này, trừ một số đoạn bốn làn, mặt đường rộng 23 m có chức năng vượt, dừng khẩn cấp.
Thường lái xe tuyến Bắc Nam, anh Vũ Hoàng, Công ty Logistics Hoàng Minh (Hà Nội), cho biết rất lo ngại khi chạy trên cao tốc Cam Lộ – La Sơn nối Quảng Trị với Thừa Thiên Huế. Đường hẹp, không có dải phân cách giữa, các xe đi ngược chiều dễ đối đầu, nhất là ở đường cong, đèo dốc, lưu thông vào ban đêm.
Ngoài ra, do đường nhỏ, tốc độ tối đa chỉ 60 km/h nên các xe tải, xe container thường đi chậm khoảng 50 km/h, các xe con 4-7 chỗ phải nối đuôi nhau đi theo, gây ức chế cho người lái. Đến đoạn bốn làn được vượt, nhiều xe con vội vàng tăng tốc, dễ chạy quá tốc độ hoặc cố vượt gây nguy cơ tai nạn.
Một tháng qua, hai tuyến cao tốc hai làn xe là La Sơn – Túy Loan và Cam Lộ – La Sơn xảy ra hai vụ tai nạn nghiêm trọng vào ngày 23/1 và 18/2 làm 5 người chết, 11 người bị thương.
Trong khi hạ tầng còn bất cập, các tuyến cao tốc này thu hút số phương tiện lớn do chưa thu phí và tăng mạnh hơn vào dịp trước, sau Tết Giáp Thìn. Theo Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, dịp cao điểm lễ Tết, tuyến này ghi nhận trung bình hơn 38.000 lượt xe/ngày, tăng 13.000 lượt so với ngày thường. Các tuyến Cam Lộ – La Sơn, La Sơn – Túy Loan cũng tấp nập xe, do tài xế tránh đi quốc lộ 1 vì mất phí.
TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho rằng ngoài nguồn lực hạn chế phải phân kỳ đầu tư, thiết kế ban đầu hai làn xe cũng chưa phù hợp, nhất là với địa hình đồi núi, đèo dốc như cao tốc Cam Lộ – La Sơn. Phần lớn chiều dài tuyến chỉ hai làn xe, không có dải phân cách giữa khiến tài xế rất khó xử lý tình huống, dễ tai nạn liên hoàn.
“Nhiều nước phát triển vẫn có cao tốc hai làn xe, nhưng chỉ đi qua sa mạc hoặc nơi có địa hình bằng phẳng, tầm nhìn thoáng, lưu lượng ôtô ít”, ông Thuận nói.
Không có làn dừng khẩn cấp
Nhiều tuyến cao tốc bốn làn xe không có làn dừng khẩn cấp, các điểm dừng khẩn cấp được bố trí với khoảng cách trung bình 10 km gây khó khăn cho tài xế. Xe hỏng, chết máy, nổ lốp và hết xăng dầu, song không kịp đến các điểm dừng khẩn cấp, phải dừng giữa đường, gây ách tắc, tai nạn.
Năm 2023, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận từng xảy ra tai nạn khi xe tải tông vào đuôi xe cẩu đang dừng ở làn số hai do cao tốc không có làn khẩn cấp. Hậu quả hai người trên xe tải tử vong, tài xế bị thương nặng. Trên cao tốc Mai Sơn – quốc lộ 45, tài xế và thợ sửa chữa đang thay lốp thì bị một xe tải tông trúng, khiến một người chết, một người trọng thương.
TS Chu Công Minh, chuyên ngành cầu đường thuộc Đại học Bách khoa TP HCM, phân tích tuyến Trung Lương – Mỹ Thuận, Cam Lộ – La Sơn được thiết kế các điểm dừng, nhưng không thay thế được tác dụng của làn dừng khẩn cấp, nhất là khi lưu lượng xe trên tuyến tăng nhanh. “Khi ôtô bị sự cố nhưng xa điểm dừng, xe phía sau dễ gặp tai nạn bởi đối mặt tình huống đột ngột, khó xử lý”, ông nói.
Không có trạm dừng nghỉ
Hiện 8 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn một, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Mỹ Thuận – Cần Thơ đã hoàn thành, đều chưa có trạm dừng nghỉ, trạm xăng dầu gây khó khăn cho cả tài xế và hành khách. Nhiều người đi trên cao tốc phải vệ sinh ngay bên đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Trong khi đó, Tiêu chuẩn quốc gia 5729:2012 khuyến cáo mỗi 50-60 km cao tốc nên có điểm dừng nghỉ, trạm xăng để lái xe kiểm tra phương tiện, nghỉ ngơi, tiếp xăng dầu.
Theo PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông, khi lưu thông trên cao tốc cần tính đến các yếu tố đảm bảo sức khỏe cho lái xe, hành khách. Ngành giao thông đã quy định lái xe 4 giờ là phải nghỉ ngơi thì phải có điểm dừng nghỉ cho lái xe. Ngoài ra, trạm dừng nghỉ còn phục vụ kỹ thuật, cung cấp xăng, thay lốp để đảm bảo an toàn cho phương tiện.
Lý giải nguyên nhân cao tốc không có trạm dừng nghỉ, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết quy định pháp luật giai đoạn trước về đầu tư, kinh doanh trạm dừng nghỉ chưa đầy đủ. Trạm không phải là cấu phần của cao tốc mà là dự án riêng và không bắt buộc phải có ngay khi tuyến đường vận hành. Việc huy động xã hội hóa xây dựng trạm đang gặp khó khăn.
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm nghỉ, Bộ Giao thông Vận tải đã giao nhiệm vụ cho các Ban quản lý dự án, tư vấn, phối hợp với địa phương xây dựng hồ sơ kêu gọi đầu tư 8 trạm dừng nghỉ tại các dự án Mai Sơn – quốc lộ 45, Nghi Sơn – Diễn Châu, Diễn Châu – Bãi Vọt, Nha Trang – Cam Lâm, Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây. Các đoạn này đã khánh thành và sắp thông xe.
Không có camera giám sát
Các dự án cao tốc phân kỳ đều chưa được đầu tư trung tâm điều hành giao thông, hệ thống camera giám sát vi phạm của tài xế, gây hạn chế trong xử lý. Theo đại diện Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, việc giám sát và xử phạt hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào cảnh sát giao thông. Do nguyên nhân này mà nhiều tài xế dễ chạy ẩu, lấn làn khi vắng bóng lực lượng kiểm soát.
PGS Trần Chủng nhận xét dù quy hoạch là cao tốc, các dự án được phân kỳ đầu tư giai đoạn một đều chưa đạt tiêu chuẩn cao tốc vì thiếu dải phân cách giữa, làn dừng khẩn cấp, trạm dừng nghỉ, camera giám sát. Trong khi đó, một số tuyến có lưu lượng xe tăng nhanh, vượt công suất dự báo, cần thiết mở rộng ngay.
Đề cập các bất cập nêu trên, đại diện Bộ Giao thông Vận tải giải thích theo quy hoạch đến năm 2030, Việt Nam có khoảng 5.000 km cao tốc và cần nguồn vốn 813.000 tỷ đồng. Thực tế, giai đoạn 2010-2020 ngân sách mới bố trí 395.000 tỷ đồng, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 thêm khoảng 178.000 tỷ đồng.
Do ngân sách và nguồn lực xã hội hóa hạn chế nên 11 tuyến cao tốc được xây dựng giai đoạn 2017-2020 đều được phân kỳ đầu tư, phù hợp với nhu cầu vận tải trong giai đoạn lưu lượng xe chưa lớn, khoảng 5.000-6.000 xe mỗi ngày. Giai đoạn đầu, chủ đầu tư phải xây hai hoặc bốn làn xe hạn chế, đến khi có nguồn vốn sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng, hoàn thiện. Đoạn cao tốc như Cam Lộ – La Sơn từng được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất đầu tư bốn làn xe song do nguồn vốn hạn chế, các cơ quan có thẩm quyền đã quyết định quy mô hai làn.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đánh giá việc phân kỳ đầu tư hai làn xe, không bố trí dải phân cách giữa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đường có dải dừng xe khẩn cấp không liên tục vẫn có nguy cơ ùn tắc trong trường hợp xảy ra sự cố; tốc độ khai thác giai đoạn phân kỳ đầu tư chưa cao, khoảng 80-90 km/h.
Để xử lý bất cập, trước mắt Cục Đường bộ Việt Nam, Ban quản lý dự án đang rà soát các cao tốc phân kỳ để bổ sung hạng mục an toàn. Ngoài ra, theo chỉ đạo của Thủ tướng không đầu tư cao tốc hai làn xe, Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương đang rà soát, huy động nguồn lực để khẩn trương đầu tư mở rộng 12 đoạn, tuyến cao tốc được phân kỳ đang khai thác.
Đoàn Loan – Gia Minh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/hang-loat-bat-cap-tren-cao-toc-phan-ky-dau-tu-4713301.html