Hà Nội muốn làm chủ đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu dài 7,5 km, nằm trên vành đai 3,5, giúp liên kết Thủ đô với tỉnh Hưng Yên.
UBND TP Hà Nội vừa kiến nghị Chính phủ giao thành phố là đơn vị chủ quản thực hiện dự án xây cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 11.770 tỷ đồng, thành phố đề nghị được ngân sách trung ương hỗ trợ tối thiểu 50%. Hà Nội và Hưng Yên sẽ bố trí ngân sách địa phương để bồi thường, tái định cư, xây dựng đường song hành, phần còn lại của cầu chính và đường dẫn hai đầu cầu.
Dự án xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu có điểm đầu tại huyện Thanh Trì, kết nối với điểm cuối dự án vành đai 3,5 đoạn từ Phúc La, Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ; điểm cuối tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, kết nối với vành đai 3,5.
Chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 7,5 km, trong đó cầu phía Hà Nội dài 5,4 km, phía Hưng Yên 2,1 km. Cầu chính vượt sông Hồng và cầu dẫn dài 7,2 km, rộng 33 m; đường đầu cầu phía Hưng Yên dài khoảng 300 m, rộng 60 m.
Vành đai 3,5 của TP Hà Nội là tuyến đường hở dài khoảng 45 km kết nối TP Hà Nội và tỉnh Hưng Yên. Hà Nội đã đầu tư 9,5 km từ đại lộ Thăng Long đến trục phía Nam, đang đầu tư 5,5 km từ quốc lộ 32 đi đại lộ Thăng Long và đang lập 5 dự án với tổng chiều dài 25,1 km.
Việc hoàn thiện tuyến vành đai 3,5 sẽ phân bổ lưu lượng, tránh tình trạng phương tiện từ phía bắc, tây bắc của thành phố về phía đông nam phải qua trung tâm, từ đó giảm nguy cơ ùn tắc trên các tuyến đường hiện có như vành đai 3.
Ngoài 8 cầu hiện có bắc qua sông Hồng (Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên, Việt Trì – Ba Vì), theo quy hoạch đến 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ có thêm 10 cầu qua sông. Đó là các cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Vân Phúc, Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5), Phú Xuyên.
Đoàn Loan
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ha-noi-muon-xay-cau-ngoc-hoi-11-700-ty-dong-4846163.html