GS Võ Tòng Xuân nêu các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long với lợi thế nước ngọt quanh năm có thể làm 4 vụ lúa, song một số chuyên gia cho rằng tăng vụ ẩn chứa rủi ro.
Ý kiến được GS Võ Tòng Xuân (84 tuổi) đưa ra trong bối cảnh giá lúa gạo tăng cao. Lúa tươi (giống OM18) đang được mua với giá 9.200 đồng mỗi kg. Năng suất trung bình 9 tấn một ha, nông dân lãi hơn 40 triệu đồng mỗi ha, gần gấp đôi so với trước. GS Xuân là nhà khoa học hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam, “cha đẻ” của nhiều giống lúa chất lượng cao. Nông dân miền Tây hiện sản xuất một năm 2-3 vụ.
Theo GS Xuân, các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, một phần Kiên Giang và Long An với hệ thống thủy lợi dễ dẫn nước ngọt vào đồng ruộng, đều sản xuất được 4 vụ lúa. Khu vực nói trên có khoảng một triệu ha trồng lúa, phần lớn đã làm ba vụ từ nhiều năm. “Với trình độ thâm canh của nông dân hiện nay có thể làm 4 vụ, giúp bà con tăng thu nhập vào các năm giá lúa lập đỉnh như hiện nay”, ông chia sẻ.
Ông cho biết hiện mỗi vụ lúa ở miền Tây thường kéo dài 75 ngày (giống ngắn ngày) hoặc 90 ngày chưa bao gồm thời gian nghỉ giữa vụ để làm đất là 10-15 ngày. Vào mùa lũ (tháng 9-11), nông dân thường cho nước vào đồng để vệ sinh, bồi đắp phù sa, diệt sâu bệnh, cho đất nghỉ ngơi. Nếu làm 4 vụ lúa nông dân phải làm giống ngắn ngày và không xả lũ.
GS Xuân lý giải thêm nông dân có thể cấy lúa bằng máy, mạ gieo khi thu hoạch lúa (ở một vị trí khác). Khi lúa được 12-14 ngày, cánh đồng đã làm đất xong sẽ đưa mạ ra cấy. Bằng cách này họ tiết kiệm được gần nửa tháng so với sạ truyền thống, tức 1,5 tháng khi làm 4 vụ. Do đó, chủ ruộng làm 4 vụ lúa bằng giống dài ngày, không xả lũ hoặc giống ngắn ngày, xả lũ hơn một tháng.
Về mặt kỹ thuật, chuyên gia khẳng định hoàn toàn có thể tiến hành nhưng cần đặc biệt lưu ý trong khâu xử lý đất. Bởi nông dân có thói quen vùi rơm rạ xuống đất sau khi thu hoạch, từ đây sinh ra các loại axit hữu cơ. Chất này không loại bỏ hoàn toàn sẽ gây ngộ độc hữu cơ (thối rễ lúa) – rất thường xảy ra khi làm lúa liên vụ.
“Khi làm đất nông dân cần nhiều lần cho nước vào ngâm vài ngày sau đó tháo nước ra để loại bỏ axit hữu cơ”, GS Xuân nói. Ngoài ra, đất cần được cung cấp đủ dinh dưỡng, đặc biệt là phân hữu cơ, vi sinh. Trong đó, hệ vi sinh vật giúp lúa tăng đề kháng, giảm sâu bệnh, ít dùng thuốc bảo vệ thực vật.
Với đề xuất này, ông Xuân khuyến cáo các địa phương tùy từng vùng, sức khỏe của đất, trình độ nông dân để áp dụng linh hoạt, phù hợp. Việc tăng vụ chỉ nên tiến hành vào những năm thời tiết cực đoan, sản lượng lương thực thế giới nguy cơ thiếu, đẩy giá lúa trong nước tăng cao.
Tuy vậy một số chuyên gia cho rằng cần cẩn trọng khi khuyến khích làm lúa 4 vụ bởi ẩn chứa nhiều rủi ro. Ông Lê Quốc Điền, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, cho biết nhiều năm trước nông dân một số vùng trong tỉnh làm lúa 4 vụ song hiệu quả không cao so với ba vụ.
“Tăng vụ sẽ khiến nguồn đất bị vắt kiệt sức. Đất là tài nguyên quý giá dùng nhiều đời, cần được gìn giữ sự màu mỡ cho cả thế hệ sau trong bối cảnh phù sa từ thượng nguồn sông Mekong về giảm sâu”, ông Điền chia sẻ. Từ năm 1994, lượng phù sa hàng năm đổ về hạ lưu sông Mekong giảm hơn 300% – từ 160 triệu tấn (1992) còn 47,4 triệu tấn (2020), theo Ủy hội sông Mekong.
Hiện Đồng Tháp xây dựng bản đồ đất từng vùng trong tỉnh để xác định độ màu mỡ, dinh dưỡng trong đất từ đó làm cơ sở để khuyến cáo nông dân bón phân, chăm sóc đất hợp lý.
“Về nguyên tắc khi lấy khỏi đất một kg lúa cần bù lại đúng lượng hữu cơ đã lấy đi cùng dinh dưỡng cần thiết, nếu không đất sẽ cằn cỗi, bạc màu”, ông Điền nói và cho biết cần tập huấn, tuyên truyền để nông dân thực hành đúng, bảo vệ sức khỏe của đất, là vấn đề mấu chốt trước khi quyết định tăng vụ lúa.
Ngoài ra, theo Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, khi triển khai 4 vụ lúa một năm, tức rút ngắn thời gian cách ly giữa các vụ, khiến sâu bệnh duy trì vòng đời, khó diệt trừ.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), cho biết nông dân trong HTX đang áp dụng cấy lúa bằng máy với nhiều ưu điểm như giảm chi phí làm đất, diệt cỏ, diệt ốc bưu vàng, rút ngắn thời gian sản xuất…. Song giá thuê máy cấy lúa tương đối cao, 4-5 triệu đồng một ha (mạ do bên máy cung cấp), cao gấp nhiều lần sạ truyền thống.
“Vì vậy nếu áp dụng máy cấy, lợi nhuận của nông dân sẽ giảm trong năng suất, giá cả lúc làm 4 vụ chưa chắc đã như ý muốn”, ông Hùng nói.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng đồng tính cần cẩn trọng khi làm lúa 4 vụ. Theo bà, trồng lúa nhiều vụ sẽ làm tổn hao đất, tài nguyên nước song chất lượng và năng suất giảm, chưa hẳn đã mang lại lợi nhuận cao hơn. “Khi chuyển đổi sang mô hình lúa – tôm, lúa – hoa màu lợi nhuận cải thiện hẳn so với hai vụ, ba vụ lúa, lại tốt cho môi trường, sức khỏe của đất”, bà Lan cho biết.
Theo bà Lan, trong bối cảnh thiếu lương thực vì thời tiết cực đoan như hiện nay, nhiều quốc gia đẩy mạnh sản lượng sẽ ảnh hưởng xuất khẩu gạo của Việt Nam. Do vậy thay vì chạy theo sản lượng, nhà nước đầu tư nâng cao chất lượng như đề án một triệu ha lúa của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai mới là bền vững, lâu dài. Ngành nông nghiệp cần khuyến khích nông dân tận dụng phụ phẩm như rơm rạ cũng giúp tăng thêm 30% thu nhập mỗi vụ.
Năm 2023, cả nước gieo trồng khoảng 7,1 triệu ha, sản lượng trên 43 triệu tấn lúa (khoảng hơn 21 triệu tấn gạo). Trong đó, lúa phân bổ nhu cầu tiêu dùng trong nước khoảng 30 triệu tấn (khoảng 15 triệu tấn gạo), còn xuất khẩu 13 triệu tấn. Diện tích trồng lúa ở miền Tây chiếm 54% cả nước, đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu.
Số liệu từ Hải quan, năm vừa qua nước ta xuất khẩu gạo đạt mức kỷ lục – 8,13 triệu tấn, trị giá 4,7 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và 35,3% so với cùng kỳ năm 2022. Việt Nam là nước sản xuất gạo lớn thứ 5 thế giới và là nhà xuất khẩu lớn thứ ba thế giới (tính theo sản lượng). Dù ảnh hưởng El Nino, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng cao.
Ngọc Tài
Nguồn tin: https://vnexpress.net/gs-vo-tong-xuan-mien-tay-co-the-san-xuat-4-vu-lua-mot-nam-4705963.html