Lạng SơnTừ những cây đào cao 1,5-2 m, anh Dương Văn Thiệu ở huyện Hữu Lũng ghép thành hình lục bình chờ bán dịp Tết Nguyên đán.
Cuối tháng 10, anh Dương Văn Thiệu, ở xã Minh Hòa, huyện Hữu Lũng tất bật chăm sóc 300 cây đào lộc bình đang phủ khắp mảnh vườn rộng gần một ha.
Từ năm 2019, anh Thiệu đã có ý tưởng ghép đào thành hình lộc bình, nhưng phải hai năm nay mới thực hiện. Từ những cây đào con, anh chăm sóc hai năm, vuốt thẳng các cành nhỏ.
Để tạo được cây đào lục bình, anh Thiệu cần ít nhất 18 cây cao khoảng 2 m để ghép lại, uốn nắn thành khuôn hình giống như những lọ lộc bình. “Tôi mất khoảng 3 giờ để ghép xong một bình”, anh Thiệu cho biết.
Thời gian ghép thường từ tháng 11 đến tháng 12 Âm lịch, sau khi đào đã được tuốt lá, dồn dinh dưỡng để nuôi nụ. Sau khi thành hình, tùy vào nhu cầu của khách hàng, anh Thiệu sẽ phủ lên thân cây lớp rêu. Một mình làm không kịp thời vụ, anh thường phải thuê thêm 7-8 người phụ việc.
Quá trình chăm sóc cắt tỉa, bón phân cho đào lộc bình đòi hỏi sự kỳ công, bởi để làm cho cả 18 cây cùng phát triển và cho nụ đồng đều thì kỹ thuật sẽ phức tạp hơn khi xử lý với cây đào một thân. “Tôi mới thử nghiệm ghép đào lục bình hai năm nay, tỷ lệ thành công cao”, anh Thiệu chia sẻ.
Hiện trên thị trường chỉ có anh Thiệu làm đào lộc bình, là sản phẩm độc đáo nên tiêu thụ nhanh. Năm ngoái, anh bán khoảng 100 cây, quá nửa được một thương lái trong Hà Tĩnh mua. Năm nay số lượng tăng, tới nay nhiều gốc đào đã có chủ. Những gốc đào lộc bình cao 1,5-2 m được bán từ 5 đến 10 triệu đồng.
Cùng với 300 gốc đào lộc bình, gia đình anh Thiệu đang tập trung chăm sóc gần 1.000 gốc đào với nhiều hình dáng để cung cấp cho người chơi từ miền Bắc đến miền Trung dịp Tết Nguyên đán 2025.
Việt An
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ghep-dao-thanh-hinh-luc-binh-ban-tet-4807863.html