Sau khi thành phố ban hành đề án cải tạo chung cư cũ, gần 100 nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho hay.
Chiều 19/1, tại họp báo định kỳ của UBND TP Hà Nội, tiến độ cải tạo chung cư cũ trên địa bàn và việc lấy ý kiến vào nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tại một số khu chung cư cũ được nêu ra.
Phó giám đốc Sở Xây dựng Mạc Đình Minh cho biết Hà Nội đã ban hành đề án cải tạo chung cư cũ kèm 6 kế hoạch triển khai. Sở Xây dựng là cơ quan thường trực triển khai đề án. Sau khi Sở công khai đề án, rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Tuy nhiên, ông Minh không nêu tên cụ thể một số nhà đầu tư lớn nào.
Về tiến độ cải tạo chung cư cũ, ông Minh cho biết đợt đầu tiên triển khai 10 khu, trong đó có 4 khu cấp độ D. Để cải tạo, công việc đầu tiên là phải kiểm định và quy hoạch. Sở Xây dựng đã phê duyệt nhiệm vụ kiểm định cho 1.022 chung cư cũ. Trong đó, Sở Xây dựng trực tiếp kiểm định 126 tòa nhà, các quận, huyện đã nộp hồ sơ kiểm định 47 tòa lên Sở.
Trong thời gian tới, Sở sẽ công bố 53 kết quả kiểm định chung cư cũ, ngoài những chung cư đã thông báo kết quả trước đó. Sau khi kiểm định và thực hiện quy hoạch, Sở sẽ xây dựng hệ số K (hệ số bồi thường), tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư theo quy định.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, nội dung liên quan xây dựng hệ số K và chọn chủ đầu tư được Sở Xây dựng hướng dẫn cụ thể và sắp tới ủy quyền cho các quận, huyện thực hiện để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ.
Liên quan đến đề xuất của quận Đống Đa nâng chiều cao tập thể Trung Tự lên 48 tầng có mâu thuẫn với chủ trương hạn chế nhà cao tầng trong nội đô hay không và tiêu chí nào để đưa ra đề xuất trên, người phát ngôn của UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng đề nghị Sở Quy hoạch và Kiến trúc trả lời bằng văn bản.
Hiện quận Đống Đa lấy ý kiến nhân dân về nhiệm vụ quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể Trung Tự, tỷ lệ 1/500. Theo đó, quận đề xuất chiều cao tối thiểu vẫn giữ từ 2 tầng nhưng với chiều cao tối đa thì đề xuất nâng gấp đôi số tầng quy hoạch phân khu trước đó, từ 24 lên 48 tầng.
Thống kê đến năm 2020, TP Hà Nội có hơn 1.500 nhà chung cư cũ, bao gồm gần 1.300 nhà thuộc 76 khu chung cư. Ngoài ra, thành phố còn có 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ những năm 1960-1994 và trước năm 1954. Từ năm 2005, Hà Nội bắt đầu cải tạo các khu chung cư cũ. Tuy nhiên, do một số bất cập và sự thay đổi chính sách nên đến nay mới có 19 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng (chiếm 1,2% tổng số nhà ở chung cư cũ) và 14 dự án đang triển khai.
Giai đoạn 2021-2025, thành phố lên kế hoạch cải tạo 10 khu chung cư cũ, bao gồm bốn khu nhà cấp D – cấp độ nguy hiểm, nguy cơ sụp đổ, phải di dời khẩn cấp người dân, gồm: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, nhà của Bộ Tư pháp; và 6 khu có tính khả thi để cải tạo là Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân.
Chủ trương của Hà Nội là xã hội hóa công tác cải tạo chung cư cũ, Nhà nước chỉ cải tạo chung cư bằng ngân sách trong trường hợp chung cư đó thuộc sở hữu Nhà nước và thuộc diện phá dỡ (do sự cố cháy nổ, thiên tai; do hết niên hạn); không lựa chọn được nhà đầu tư dự án.
Võ Hải
Nguồn tin: https://vnexpress.net/gan-tram-nha-dau-tu-quan-tam-cai-tao-chung-cu-cu-o-ha-noi-4702931.html