Dựa trên kinh nghiệm nước ngoài, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tính tổng nhân lực dự kiến cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đến năm 2040 là 13.880 người.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa lập Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp để quản lý, khai thác đường sắt tốc độ cao, trình Bộ Giao thông Vận tải.
Trên cơ sở kinh nghiệm nước ngoài và nhu cầu nhân lực, VNR tính toán để quản lý, vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam cần 8,98 người cho mỗi km. Giai đoạn một từ năm 2027 đến 2035 với hai phân đoạn đầu tiên dài 651 km dự kiến cần hơn 5.940 người; giai đoạn hai từ 2035 đến 2040 hoàn thiện đoạn còn lại dài 894 km, cần hơn 7.930 người. Giai đoạn đến 2027, VNR dự kiến đào tạo 200 cán bộ chủ chốt gồm giáo viên, kỹ thuật, tài chính, quản lý dự án… bằng nguồn vốn của Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc.
VNR dự kiến lập hai đầu mối để quản lý, bảo trì và khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt tốc độ cao trục Bắc Nam. Cụ thể, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý, bảo trì, khai thác đường sắt tốc độ cao sẽ tiếp nhận tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt được bàn giao từ Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, gồm: Cầu, hầm, nền đường, hệ thống thông tin tín hiệu, điện và các tài sản hạ tầng đường sắt tốc độ cao.
Công ty TNHH một thành viên Vận tải đường sắt tốc độ cao tiếp nhận phương tiện, thiết bị và công trình công nghiệp đường sắt tốc độ cao để kinh doanh vận tải và trả phí thuê hạ tầng đường sắt tốc độ cao; kêu gọi các doanh nghiệp khác tham gia hợp tác, kinh doanh.
VNR sẽ tiếp tục điều hành tập trung, thống nhất toàn mạng đường sắt hiện có thông qua Trung tâm Điều hành vận tải đường sắt. Trung tâm này được tổ chức thành hai bộ phận gồm điều hành đường sắt hiện hữu và điều hành đường sắt tốc độ cao.
VNR cũng đưa ra lộ trình tái cơ cấu tương ứng với dự án đường sắt tốc độ cao. Cụ thể, giai đoạn 2025-2030, mô hình tổ chức quản lý của VNR cơ bản giữ nguyên hiện nay song các đơn vị đều tăng về năng lực, quy mô nhân sự để vừa khai thác hệ thống đường sắt hiện tại, vừa tham gia xây dựng đường sắt tốc độ cao.
Giai đoạn 2030-2032, mô hình tổ chức quản lý của VNR bắt đầu điều chỉnh lớn, tách bạch hai tổ chức riêng biệt là đường sắt thường và đường sắt tốc độ cao; thành lập hai đơn vị quản lý, khai thác đường sắt tốc độ cao. Giai đoạn 2032-2045, VNR sẽ điều hành tập trung, thống nhất toàn mạng đường sắt hiện có thông qua Trung tâm điều hành giao thông vận tải đường sắt.
Tháng 2/2019, Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đi qua 20 tỉnh thành. Đây là tuyến đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tốc độ khai thác 320 km/h.
Cuối năm 2022, Tư vấn thẩm tra dự án đã nêu một số nhược điểm nếu đầu tư đường sắt tốc độ 350 km/h và kiến nghị phương án vừa chở khách, vừa chở hàng, tốc độ khai thác 225 km/h cho tàu khách, 160 km/h cho tàu hàng. Ban cán sự đảng Chính phủ, Hội đồng thẩm định nhà nước yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu thêm phương án này.
Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc Nam phải đồng bộ, hiện đại, phù hợp xu thế của thế giới, tốc độ thiết kế 350 km/h. Đầu tư đường sắt tốc độ cao liên quan đến lợi ích quốc gia, dân tộc nên không thể chậm trễ mà cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ thực hiện.
Kết luận của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và khởi công trước 2030. Các đoạn đường sắt tốc độ cao Hà Nội – Vinh và TP HCM – Nha Trang được ưu tiên khởi công trong giai đoạn 2026-2030; phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trước năm 2045.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-can-13-880-nguoi-van-hanh-4708843.html