Hà TĩnhHai hộ dân ở huyện Kỳ Anh đồng ý đổi 291 m2 đất vườn để xây nhà văn hóa theo đề nghị của xã Kỳ Đồng, nhưng 10 năm chưa được nhận đất.
Năm 2015, lãnh đạo huyện Kỳ Anh có cuộc làm việc với Ban thường vụ Đảng ủy xã Kỳ Đồng (nay là thị trấn Kỳ Đồng) về việc khẩn trương xây dựng nhà văn hóa xã Kỳ Đồng làm nơi hội họp của các cơ quan, đoàn thể của huyện.
Thời điểm này Kỳ Anh mới điều chỉnh địa giới hành chính, tách một số xã, thị trấn ra thành thị xã Kỳ Anh (mới), trụ sở đặt ở phường Sông Trí. Còn huyện Kỳ Anh (cũ) đã mượn trụ sở của trường Tiểu học đối diện với UBND xã Kỳ Đồng để làm nơi công tác tạm thời, trong thời gian chờ xây trung tâm hành chính mới.
Do khuôn viên trụ sở UBND xã Kỳ Đồng không đủ diện tích, lãnh đạo xã sau đó thuyết phục, vận động hai hộ dân Nguyễn Thị Đường, 71 tuổi và Nguyễn Thị Tường, 61 tuổi, trú tổ dân phố Đồng Phú “đổi đất vườn lấy đất” tại các khu quy hoạch mới để có thêm mặt bằng xây dựng trụ sở.
Khu vườn rộng hơn 2.000 m2 của gia đình bà Đường và Tường giáp với trụ sở UBND thị trấn Kỳ Đồng. Ảnh: Đức Hùng
Gia đình bà Đường và bà Tường đều có hai mảnh đất vườn rộng hơn 1.000 m2, bên trái tiếp giáp với tường rào trụ sở UBND Kỳ Đồng. Thời điểm đó bà Đường đồng ý đổi 174 m2 đất vườn, bà Tường đổi 117 m2 để được nhận lại hai thửa đất cùng diện tích 240 m2 tại khu dân cư Đồng Trụ Tây và Trạng Voi, thuộc xã Kỳ Đồng. Biên bản thỏa thuận được ký ngày 9/2/2015, có chữ ký của hai hộ dân cùng đại diện UBND xã Kỳ Đồng.
Nhà chức trách sau đó lấy một phần đất vườn của hai hộ dân để xây dựng nhà văn hóa trị giá hơn 4 tỷ đồng, rộng khoảng 1.000 m2. UBND xã Kỳ Đồng lập hồ sơ trình lên UBND huyện Kỳ Anh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hai lô đất được đổi cho gia đình bà Đường và Tường. Tuy nhiên, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kỳ Anh không tiếp nhận hồ sơ, kết luận UBND xã Kỳ Đồng vi phạm pháp luật về đất đai, giao đất không đúng thẩm quyền.
Vài tháng sau, nhà văn hóa hoàn thành, nhưng hai hộ dân vẫn không được đổi đất như thỏa thuận với chính quyền. 10 năm qua, bà Đường và Tường liên tục gửi đơn đến xã và huyện yêu cầu giải quyết quyền lợi, nhưng chưa có kết quả.
Bà Nguyễn Thị Đường cho biết trong 174 m2 đất vườn đổi cho xã Kỳ Đồng có 48 m2 đã tặng cho con gái Nguyễn Thị Lương để “làm vốn”. Bà Đường mất chồng từ lúc hơn 32 tuổi, có 4 người con. Bà dự tính nếu đổi đất thành công, 240 m2 đất mới ở vùng Trạng Voi sẽ được chia cho các con để làm nhà sinh sống, bởi con cái hiện tại có người rất khó khăn, chưa có nhà riêng.
“Tôi đưa hồ sơ đến nhiều nơi, nhưng chỗ này đùn sang chỗ kia”, bà Đường nói và cho biết gia đình chỉ mong chính quyền sớm giải quyết dứt điểm quyền lợi của người dân theo quy định của pháp luật, chứ không gây khó dễ gì. Nếu hiện nay không thể bố trí bồi thường theo diện đổi đất thì có thể trả bằng tiền.
‘Đổi đất xây nhà văn hóa’, 10 năm chưa được nhận lại
Bà Đường kể lại việc đổi đất với xã Kỳ Đồng năm 2015. Video: Đức Hùng
Bà Nguyễn Thị Tường cho hay thời điểm đổi đất với xã Kỳ Đồng, chồng bà đang đi xuất khẩu lao động. Chưa hỏi ý kiến chồng, bà vẫn đồng ý đổi đất với xã, để giúp huyện Kỳ Anh có hội trường tổ chức các cuộc họp. Đó cũng là góp sức vì chủ trương chung trong bối cảnh vừa chia tách địa giới.
Việc đổi đất không thành, khúc mắc với chính quyền kéo dài khiến vợ chồng bà căng thẳng. 5 năm trước, chồng mắc ung thư, kinh tế khó khăn, bà lên xã xin nhận tiền đền bù, không lấy đất cấp đổi nữa, để có kinh phí chạy chữa cho chồng, nhưng không nhận được phản hồi tích cực. Hiện nay chồng bà đã mất.
“Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đều đứng lên đòi quyền lợi cho gia đình tôi và hàng xóm, tuy nhiên đáp lại vẫn chỉ là những lời hứa”, bà Tường nói.
Ông Nguyễn Đình Tuệ, Chủ tịch thị trấn Kỳ Đồng, cho biết năm 2015 xuất phát từ tính cấp bách phải làm nhà văn hóa để UBND huyện Kỳ Anh có nơi hội họp cho cán bộ nên xã đã làm sai quy trình, lãnh đạo tự lên phương án đổi đất với hai hộ dân mà không xin ý kiến huyện.
Việc xử lý sự việc gặp nhiều khó khăn. Luật Đất đai năm 2013 quy định không cấp bìa đỏ và thu hồi toàn bộ diện tích đất đã giao, đã thuê không đúng thẩm quyền kể từ ngày 1/7/2024 trở về sau. Việc đổi đất giữa các bên đo đạc thủ công, độ chính xác không cao, không mô tả bằng sơ đồ. Nhà văn hóa đã xây dựng kiên cố, khó khăn trong cắm mốc tọa độ để xác định phần đất đổi của các hộ, không làm thủ tục lập dự án bồi thường ngay từ trước khi xây nhà văn hóa. Thửa đất xã đổi cho hộ dân nằm trong chỉ giới quy hoạch đường giao thông…
Nhà văn hóa thị trấn Kỳ Đồng có diện tích hơn 1.000 m2, theo thỏa thuận thì gia đình bà Đường và Tường đồng ý đổi 291 m2 để xây dựng. Ảnh: Đức Hùng
“Để người dân thiệt thòi và chờ đợi suốt 10 năm, trách nhiệm là của địa phương”, ông Tuệ thừa nhận. Thị trấn Kỳ Đồng đã đề xuất phương án xử lý gửi lên UBND huyện Kỳ Anh, lập dự án mở rộng khuôn viên UBND thị trấn, thu hồi đất và bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định. Thị trấn đưa ra giải pháp khả thi nhất là có thể bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể hoặc hỗ trợ bằng đất từ quỹ dự phòng của địa phương, theo Luật Đất đai năm 2024.
Ông Nguyễn Quang Linh, Chủ tịch huyện Kỳ Anh, cho biết đơn vị đang nghiên cứu các phương án của thị trấn Kỳ Đồng gửi lên. Xã lấy đất của dân mà chưa trả lại thì phải bồi thường cho họ để đảm bảo quyền lợi. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất khó xử lý, bởi hiện nay không có cơ chế nào cho phép chính quyền lấy miếng đất này đổi sang miếng kia cho người dân, ngoại trừ những dự án thu hồi và bồi thường đất theo tái định cư.
“Huyện đang đốc thúc các cơ quan chuyên môn tìm phương án hợp lý, khó có thể trong ngày một ngày hai quyết định được”, ông Linh nói, cho hay sắp tới kết thúc hoạt động của cấp huyện song các hộ dân liên quan việc này không nên lo lắng bởi xã mới sẽ tiếp tục thụ lý hồ sơ và giải quyết thấu đáo cho dân.
Liên quan sự việc, cuối năm 2022, huyện Kỳ Anh đã lập đoàn thanh tra, ra quyết định kiểm điểm tập thể và một số lãnh đạo của thị trấn Kỳ Đồng vì giao đất, cho thuê đất trái thẩm quyền.
Đức Hùng
Nguồn tin: https://vnexpress.net/doi-dat-xay-nha-van-hoa-nguoi-dan-cho-10-nam-chua-duoc-nhan-lai-4889328.html