Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng đề xuất nâng trần quân hàm của Chỉ huy trưởng quân sự cấp tỉnh lên thiếu tướng để ngang bằng với Giám đốc Công an tỉnh.
“Tại sao trần quân hàm bên công an là thiếu tướng mà bên quân đội là đại tá khi cả hai đều là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy? Việc này cần nghiên cứu để đảm bảo tương xứng, công bằng”, ông Hùng nói khi góp ý xây dựng dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, chiều 5/11.
Theo quy định hiện hành, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh có quân hàm cao nhất là đại tá. Đại tá cũng là trần quân hàm của Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh; Phó sư đoàn trưởng, Phó chính ủy Sư đoàn; Phó chỉ huy trưởng, Phó chính ủy Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh; Phó chỉ huy trưởng, Phó chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh.
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng, cho biết nâng trần quân hàm của Chỉ huy trưởng quân sự tỉnh lên thiếu tướng là “rất khó”. Nguyên nhân là mỗi tỉnh có một Giám đốc Công an tỉnh – tương đương một thiếu tướng công an. Nhưng phía quân đội thì Bộ chỉ huy quân sự mỗi địa phương vừa có Chỉ huy trưởng vừa có Chính ủy, ngoài ra còn có Chỉ huy trưởng và Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh.
“Bốn chức vụ này tương đương nhau mà chỉ chọn ra một để phong thiếu tướng thì sẽ không đảm bảo cân đối”, đại tướng Phan Văn Giang nói.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng, trong khi quân đội đảm bảo an ninh quốc phòng, đặc biệt ở các vùng biên giới, hải đảo, thì công an tập trung giải quyết các vấn đề an ninh nội địa. Việc so sánh mức độ vất vả giữa hai lực lượng là không phù hợp. Vì vậy, Bộ trưởng đề xuất giữ nguyên quy định hiện hành về quân hàm với chỉ huy trưởng quân sự tỉnh.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Phó đoàn Hưng Yên) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan cấp tướng quân đội lên 62 tuổi thay vì 60 như dự thảo. Việc này nhằm đảm bảo thống nhất giữa các lực lượng vũ trang, bảo đảm trọng dụng nhân tài và tương quan giữa hai lực lượng quân đội nhân dân và công an nhân dân.
“Lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ tại ngũ cấp tướng công an là 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 cũng phù hợp với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật”, ông Thắng nói.
Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết dù cường độ làm việc của cấp tướng có thể thấp hơn cấp dưới, nhưng việc quy định tuổi nghỉ hưu phải đảm bảo tính hợp lý trong cơ cấu biên chế. Nếu nâng tuổi nghỉ hưu của cấp tướng lên 62 tuổi sẽ tạo ra khoảng cách 4 năm so với cấp tá, gây khó khăn trong việc quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ, ảnh hưởng đến tính linh hoạt của tổ chức.
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự luật vào ngày 27/11.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/de-xuat-tran-quan-ham-thieu-tuong-voi-chi-huy-truong-quan-su-cap-tinh-4812413.html