Quảng NamTrong kháng chiến chống Mỹ, cây rỏi mật ở địa đạo Kỳ Anh, làng Thạch Tân, xã Tam Thăng là nơi bộ đội làm đài quan sát căn cứ quân sự của địch.
Theo lịch sử làng Thạch Tân, xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, cây rỏi mật (tên khoa học Garcinia celebica L) được hình thành từ thế kỷ 14. Khi lập làng, người xưa trồng cây rỏi ở đầu làng, cây trâm lăng ở giữa làng và ngoài làng trồng cây sơn mã. Hiện hai cây đã chết, chỉ còn cây rỏi cao 26 m, chu vi gốc 2,7 m.
Cây rỏi mật đã chứng kiến bao thăng trầm của làng Thạch Tân. Trong kháng chiến chống Pháp, cây rỏi là nơi thực hành phong trào diệt giặc dốt. Dưới tán cây, người già, trẻ con ngồi vây quanh học chữ. Kháng chiến chống Mỹ, xã Kỳ Anh nay là Tam Thăng, cách trung tâm TP Tam Kỳ khoảng 7 km về hướng đông bắc, gần quốc lộ 1 là vùng giao tranh khốc liệt.
Cây rỏi cao 26 m, chu vi 2,7 m được công nhận là cây di sản Việt Nam. Ảnh: Đắc Thành
Tỉnh ủy Quảng Nam ra nghị quyết phát động quần chúng khởi nghĩa giải phóng đại bộ phận nông thôn đồng bằng, trong đó trọng điểm là vùng đông quốc lộ 1 và vùng cát của các huyện. Đảng bộ Tam Kỳ đã chỉ đạo quân và dân vùng lên phá ấp chiến lược, giải phóng xã Kỳ Anh tháng 9/1964.
Tháng 5/1965, quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa thực hiện chiến lược “Bình định nông thôn”, “Tiêu diệt và bình định”, mở rộng chiến dịch về làng bắt bớ, càn quét, đánh phá, lấn chiếm vùng giải phóng Kỳ Anh. Đảng bộ và nhân dân Kỳ Anh thực hiện phương châm “một tấc không đi, một ly không rời”, quyết bám đất, bám làng tận dụng mọi thời cơ đánh địch.
Nhưng là một xã vùng cát, địa hình bất lợi cho việc tác chiến, ẩn nấp lâu dài, địch càn sẽ phát hiện và tiêu diệt đối phương dễ dàng. Để đối phó, người dân đào khoảng 32 km địa đạo với chiều rộng 0,5- 0,8 m, cao 0,8-1 m làm nơi ẩn quân, chuẩn bị lực lượng, vũ khí để đánh địch. Địa đạo hình ô bàn cờ, quanh co uốn khúc, nhiều ngõ ngách nên có lần địch phát hiện ra song không dám xuống.
Thân cây rỏi bốn người ôm mới xuể. Ảnh: Đắc Thành
Ông Huỳnh Kim Ta, 67 tuổi, làng Thạch Tân, kể là vùng cách mạng, Kỳ Anh bị địch tàn phá, hết thả bom lại bắn đạn. Nhà cửa tan hoang, cây cối chết cháy gần hết. Cả vùng chỉ còn cây rỏi cao lớn sống sót, cành lá sum suê. Cách cây rỏi khoảng 2 km về phía tây là căn cứ quân sự của địch nên bộ đội đã chọn cây rỏi làm đài quan sát.
Trước khi lên cây, bộ đội ném dây làm thang leo vì cây to, trơn, khó trèo. Đứng trên ngọn cây, bộ đội dùng ống nhòm quan sát rõ căn cứ địch. Thấy địch di chuyển về hướng nào thì bộ đội từ đài quan sát trên cây sẽ báo tin cho khu vực đó để chuẩn bị chiến đấu hoặc ẩn nấp. Nếu phát hiện địch về làng Thạch Tân, bộ đội nhanh chóng báo cho cán bộ xuống địa đạo.
“Tôi nhớ sáng đầu tháng 1/1970, vừa ngủ dậy chạy ra cây rỏi chơi. Nhìn trên cây hai chú bộ đội đang dùng ống nhòm quan sát. Trong tích tắc hai người leo xuống dùng súng bắn hai phát đạn chỉ thiên. Lúc này, nguyên một đại đội gần 100 người ở trong nhà dân tức tốc chạy xuống địa đạo ẩn nấp”, ông Ta kể.
Gần một giờ sau, hàng trăm lính Việt Nam Cộng hòa mang theo vũ khí vào làng. Chúng càn quét, đốt phá nhà cửa để tìm bộ đội. May mắn toàn bộ đã xuống địa đạo ẩn nấp nên không bị phát hiện.
Thân cây bị nhiều cục u do mảnh bom đạn găm vào. Ảnh: Đắc Thành
Lịch sử địa phương ghi lại từ năm 1965 đến 1975, quân và dân Kỳ Anh đánh 1.052 trận, hạ hơn 3.700 tên địch. 3 máy bay, 15 xe quân sự của địch cũng bị bắn rơi tại xã này. Trong chiến thắng này có sự đóng góp của cây rỏi mật. “Cây vốn thẳng, vỏ trơn tru, nhưng hứng chịu hàng trăm mảnh bom đạn, nhiều mảnh găm vào thân mắc chặt tạo thành các u cục sần sùi”, bà Trần Thị Loan, 76 tuổi, người làng Thạch Tân, nói.
Sau ngày thống nhất đất nước, cây rỏi trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng. Thời kỳ hợp tác xã, kết thúc công việc đồng áng, người dân lại đến ngồi nghỉ dưới tán cây. Vì những giá trị lịch sử, tháng 2/2025, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã công nhận cây rỏi mật ở làng Thạch Tân là cây di sản Việt Nam. Hiện cây rỏi là điểm tham quan khi du khách đến đạo Kỳ Anh.
Theo ông Trần Trung Hậu, Phó chủ tịch TP Tam Kỳ, cây rỏi được công nhận di sản là niềm tự hào của người dân. Cây không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì cân bằng hệ sinh thái, góp phần tạo cảnh quan và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ thiên nhiên.
Đắc Thành
Nguồn tin: https://vnexpress.net/dai-quan-sat-tren-cay-roi-mat-500-tuoi-4880470.html