Đại biểu Trần Đức Thuận cho rằng Nghệ An có tỷ lệ nghèo còn cao nên cần nghiên cứu cơ chế để huy động nguồn lực từ các địa phương giàu hơn.
Tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội chiều 31/5 về dự thảo Nghị quyết thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh Trần Đức Thuận khẳng định Quốc hội ban hành Nghị quyết này là cần thiết. Trước đó, Bộ Chính trị cũng đã có nghị quyết định hướng xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước, phát triển nhanh, bền vững và đồng ý chủ trương xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để phát triển tỉnh này.
Ông Thuận đồng tình với đề xuất phân bổ thêm 50% vốn đầu tư công từ ngân sách Trung ương cho Nghệ An, song vốn lại ở giai đoạn 2026-2030 nên địa phương “còn rất lâu” mới có thể tiếp cận được chính sách. Trong khi đó, tỉnh cần có nguồn lực để thực hiện ngay các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
“Trước đây tôi đã từng đề nghị tỉnh giàu giúp cho tỉnh nghèo, huyện giàu giúp huyện nghèo, xã giàu giúp xã nghèo thì nay nếu có chính sách sẽ tạo cơ chế cho các tỉnh thành có điều kiện giúp được tỉnh nghèo”, ông nói, cho biết thực tế có nhiều tỉnh sẵn sàng hỗ trợ Nghệ An để làm các công trình thiết yếu.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cho biết nếu vốn đầu tư công bổ sung tăng 50%, mỗi năm Nghệ An có thêm khoảng 700 tỷ đồng. Con số này là không nhiều do địa bàn tỉnh rộng và còn nhiều khó khăn. Hơn nữa, chính sách này chỉ thực hiện giai đoạn từ 2026-2030, tỉnh chưa được thụ hưởng ngay. Trong khi quan điểm tại nghị quyết của Bộ Chính trị là xây dựng Nghệ An, thành phố Vinh thành trung tâm của khu vực Bắc Trung bộ.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị các tỉnh thành khác có nguồn lực hỗ trợ cho địa bàn miền Tây và huyện Nam Đàn của Nghệ An, nhưng chúng tôi muốn hỗ trợ toàn tỉnh”, ông Quý nói.
Theo ông Quý, thời gian qua tỉnh đã tích cực cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị dự thảo nghị quyết để có chính sách đặc thù cho Nghệ An. Lúc đầu tỉnh thiết kế 27 chính sách, sau khi xin ý kiến các bộ ngành vòng 2 còn 22, sau vòng 3 còn 18 và cuối cùng còn 14 chính sách.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, trước sự phát triển của nền kinh tế, cơ chế đang bị “co chặt” nên Chính phủ, Quốc hội đã nhiều lần bàn đến việc thí điểm đặc thù, vượt trội. Thí điểm có thể thành công nhưng cũng có thể ngược lại, vì thế đa số đại biểu khi thảo luận ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều yêu cầu sớm tổng kết để nhân rộng cả nước.
Nghệ An có diện tích lớn nhất và dân số đứng thứ tư cả nước song đến nay còn nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế chưa cao, chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm. Thu ngân sách tỉnh chưa đạt mục tiêu, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế. Vì vậy, Chính phủ đề xuất xây dựng dự thảo Nghị quyết cho phép Nghệ An giữ lại khoảng 600 tỷ đồng tiền thuế thu từ 22 nhà máy thủy điện để phát triển hạ tầng, xã hội vùng khó khăn phía Tây.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Nghệ An được giao và cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho nhà đầu tư trong nước tại khu vực biển cách bờ 6 hải lý. Nhà đầu tư được miễn tiền sử dụng khu vực biển trong 15 năm và giảm một nửa tiền với phần diện tích làm dự án nuôi trồng thủy sản.
UBND tỉnh được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án bến cảng, khu bến cảng có quy mô từ 2.300 tỷ đồng trở lên; thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (dự án PPP) đối với các dự án thể thao và văn hóa; UBND tỉnh có 5 phó chủ tịch, tăng một so với tỉnh loại I.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/dai-bieu-de-xuat-tinh-giau-ho-tro-tinh-ngheo-4752923.html