Rà soát gần 4.300 trụ sở khi hợp nhất Đà Nẵng và Quảng Nam, cơ quan chức năng đề xuất 132 cơ sở làm trường học, thiết chế văn hóa.
Ngày 26/4, kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng thống nhất thông qua tờ trình của UBND thành phố về việc hợp nhất tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng, với tỷ lệ hơn 99% cử tri tán thành.
Một trong những nội dung quan trọng là việc quản lý, sử dụng hiệu quả hệ thống trụ sở và phương tiện công hiện có nhằm tiết kiệm ngân sách, tận dụng tối đa tài sản nhà nước và bảo đảm hoạt động thông suốt sau khi hai địa phương sáp nhập.
Theo rà soát, tổng số trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp của hai địa phương là 4.291, trong đó TP Đà Nẵng 1.681, tỉnh Quảng Nam 2.610. Sau hợp nhất, trụ sở các sở, ban, ngành cấp tỉnh sẽ chủ yếu được bố trí tại Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng (số 24 Trần Phú, quận Hải Châu), kết hợp sử dụng thêm một số nhà, đất trống hiện có trên địa bàn.
Tòa nhà Trung tâm hành chính Đà Nẵng (nhà hình tròn), sẽ là nơi làm việc của bộ máy chính quyền khi sáp nhập Đà Nẵng và Quảng Nam. Ảnh: Nguyễn Đông
Tại TP Tam Kỳ, nơi đặt cơ quan đầu não của tỉnh Quảng Nam trước đây, một số cơ quan, đơn vị dự kiến tiếp tục duy trì hoạt động nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khu vực phía Nam, đồng thời đảm bảo khả năng ứng phó nhanh trong trường hợp thiên tai và tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện hữu.
Ở cấp xã, tỉnh Quảng Nam hiện có 247 trụ sở xã, phường, thị trấn, số lượng lớn hơn nhiều so với TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, sau khi sắp xếp, toàn địa bàn sẽ còn 78 xã, phường. Để tránh lãng phí, trước mắt các xã, phường sau sắp xếp tiếp tục sử dụng trụ sở hiện có nhằm đảm bảo đủ điều kiện làm việc và thuận tiện cho người dân trong giao dịch.
Dự kiến sau sắp xếp, tổng số cơ sở dôi dư cần xử lý là 132, gồm 39 tại Quảng Nam và 93 tại Đà Nẵng. Đây mới là con số thống kê ban đầu, chưa tính đến các trụ sở cấp huyện và xã sau sắp xếp.
Sở Tài chính mới sẽ tiếp tục rà soát, tham mưu UBND TP Đà Nẵng sau sáp nhập phương án xử lý cụ thể. Tuy nhiên, TP Đà Nẵng đề xuất chuyển đổi công năng các trụ sở dôi dư thành trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa thể thao hoặc cơ sở công vụ.
Đối với số trụ sở xã, phường, thị trấn còn lại, thành phố sẽ tận dụng tối đa để tiếp tục phục vụ chính quyền địa phương. Những cơ sở không còn nhu cầu sẽ xử lý theo quy định pháp luật về tài sản công.
Về phương tiện công, hiện TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đang quản lý 760 ôtô công, trong đó Đà Nẵng 470 xe, Quảng Nam 290 xe. Sau hợp nhất, xe công sẽ tiếp tục được bố trí theo đúng tiêu chuẩn cho các chức danh lãnh đạo. Xe phục vụ công tác chung cấp tỉnh sẽ phân bổ cho các cơ quan hành chính, Đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và các đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh do TP Đà Nẵng mới quản lý. Xe công cấp huyện sẽ được điều chuyển cho các đơn vị hành chính cấp xã sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy.
Đối với các xe chuyên dùng phục vụ công tác y tế, phòng cháy chữa cháy, môi trường, quốc phòng an ninh, thành phố yêu cầu tiếp tục sử dụng đúng mục đích. Sau khi Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 72/2023, Sở Tài chính TP Đà Nẵng mới sẽ chủ trì tham mưu UBND thành phố quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe công, đồng thời xây dựng kế hoạch sắp xếp và xử lý số lượng xe dôi dư phù hợp với tình hình thực tế.
Sau sáp nhập với Quảng Nam, TP Đà Nẵng mới sẽ có diện tích hơn 11.800 km2, dân số trên 3 triệu, bao gồm 94 đơn vị hành chính cấp xã (23 phường, 70 xã và đặc khu Hoàng Sa), trở thành thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích lớn nhất cả nước.
Nguyễn Đông
Nguồn tin: https://vnexpress.net/da-nang-du-kien-su-dung-tru-so-doi-du-lam-truong-hoc-nha-van-hoa-4879130.html