
Năm 1989, sau hơn 20 năm nghiên cứu và giảng dạy tại Hà Nội, TS.KS Võ Kim Cương được cử làm thư ký hội đồng nghiệm thu quy hoạch tổng mặt bằng TP HCM, do Viện Nghiên cứu Quy hoạch thuộc Sở Xây dựng thực hiện. Hơn một thập kỷ từ khi thành lập, cơ quan này hầu như chỉ tập trung nghiên cứu quy hoạch cải tạo và phát triển thành phố nhằm hàn gắn “vết thương” đô thị sau chiến tranh.
“Thành phố gần như nguyên vẹn, có dấu vết bom đạn nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, phía sau sự nguyên vẹn đó là một đô thị hơi dị dạng, nhiều khuyết tật, tạo ra hàng loạt thách thức, đeo đẳng suốt nhiều thập niên”, ông Cương kể về hiện trạng Sài Gòn những năm sau thống nhất.
Giai đoạn đầu, thành phố đối diện muôn vàn khó khăn: nền kinh tế bao cấp, bị Mỹ cấm vận, sản xuất đình đốn, ngân sách kiệt quệ… Lãnh đạo gần như chỉ lo cho dân khỏi đói. Các chung cư ngay trung tâm còn được người dân quây lại để nuôi heo, gà, cải thiện đời sống. Trong 5 năm đầu tiên, thành phố không có công trình xây dựng nào đáng kể, không có chiến lược dài hạn, mà chỉ “chữa cháy từng phần”.
Giai đoạn ông Cương về Sở Xây dựng, Viện đang tập trung lập Quy hoạch tổng mặt bằng cải tạo xây dựng TP HCM theo chủ trương được Chính phủ phê duyệt năm trước đó. Đồ án này được xem như bản quy hoạch phát triển đô thị đầu tiên cho thành phố sau thống nhất đất nước.
“Nhiều người phê phán sự phát triển của TP HCM bằng cách đối chiếu với các nước như Singapore, nhưng họ quên mất điểm xuất phát và hoàn cảnh của thành phố này khi bắt đầu”, ông nói.
Hai bờ kênh Bến Nghé – Tàu Hủ từ khoảng năm 1950 (ảnh trái) thay đổi nhiều sau hơn 70 năm. Bên phải kênh (hướng quận 1) là đại lộ Võ Văn Kiệt. Ảnh: Tư liệu và Quỳnh Trần (ảnh phải)
Thành phố “dị dạng”
TP HCM hiện nay được xác định ranh giới vào ngày 3/5/1975 khi tỉnh Gia Định (trừ Cần Giờ), một phần các tỉnh Long An, Bình Dương, Hậu Nghĩa, sáp nhập với Đô thành Sài Gòn, trở thành TP Sài Gòn – Gia Định, với 3,5 triệu dân, trong đó 30% là hộ nghèo. Đến năm 1976, nơi đây đổi tên thành TP HCM.
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc (cũ), TP HCM hình thành từ nền tảng đô thị thuộc địa xưa gồm Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định. Trước năm 1975, quá trình phát triển và mức độ đầu tư của chính quyền cho ba địa phương này hoàn toàn khác nhau, nên khi hợp nhất bộ mặt đô thị không đồng nhất.
Sài Gòn được xác định từ ranh phía tây rạch Thị Nghè đến bờ đông kênh Tàu Hủ, chính quyền Pháp xếp vào thành phố cấp I, được quy hoạch bài bản và đầu tư hàng loạt công trình biểu tượng như Dinh Độc Lập, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Trung tâm, Nhà hát Lớn…
Chợ Lớn là thành phố loại II với trung tâm là quận 5, 6. Trước năm 1975, chính quyền chỉ quản lý hành chính, phát triển gần như tự phát. Giai đoạn 1931-1950, quá trình đô thị hóa nối hai thành phố này với nhau tạo nên Đô thành Sài Gòn.
Còn Gia Định là một tỉnh bao quanh Đô thành Sài Gòn với các quận Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh, Quảng Xuyên (một phần của Cần Giờ ngày nay) và Cần Giờ. Đây là vùng nông thôn rộng lớn, kênh rạch chằng chịt, trở thành nơi trú ngụ của người dân nhập cư khắp nơi đổ về.
Khi TP HCM hợp nhất ba đô thị này, sự khác biệt về hiện trạng phát triển, kinh tế – xã hội, mức độ đầu tư xây dựng… tạo nên những cách biệt rõ ràng.
Trước ngày thống nhất, Sài Gòn – “Hòn ngọc Viễn Đông” – được biết đến như một đô thị phát triển nhất cõi Đông Dương. Nhưng khi vào đây, ông Cương mới nhận ra sự phồn hoa, lộng lẫy ấy chỉ hiện diện ở khu vực quận 1, 3, 10, cùng với quận 5, 6 là khu mua bán sầm uất. Còn ra khỏi trung tâm, dọc các kênh Thị Nghè, Tàu Hủ, Lò Gốm, hướng ra quận Bình Thạnh, Tân Bình, Phú Nhuận… là các khu dân cư lụp xụp, chính quyền cũ gọi là “khu ổ chuột”.
“Sài Gòn khi ấy có khu vực theo quy hoạch, quy chuẩn đô thị, còn lại nhiều nơi phát triển tự phát với nhiều sự méo mó”, ông Cương nói.
Theo ông, ba điểm “dị dạng” của thành phố gồm: rất nhiều khu lụp xụp được xây dựng tạm bợ, toàn đường hẻm; nhiều cơ sở sản xuất ô nhiễm như dệt nhuộm, cơ khí… xen cài trong khu dân cư; và kênh rạch ô nhiễm do xả thải không kiểm soát từ các nhà ven kênh, điển hình là Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hủ – Bến Nghé, Tân Hoá – Lò Gốm.
Theo ông, đây cũng là những vấn đề mà chính quyền Việt Nam Cộng Hoà không thể giải quyết dứt điểm, trở thành vấn nạn đô thị kéo dài đến khi thống nhất đất nước.
“TP HCM khi đó như lát cắt một quả trứng. Lòng đỏ ở giữa là quận 1, 3, xung quanh là lòng trắng với nhiều khu lụp xụp, ổ chuột nghèo khổ”, ông ví von.
Lý giải những “dị dạng” của đô thị này, KTS Khương Văn Mười, nguyên Trưởng khoa Quy hoạch, Đại học Kiến trúc TP HCM, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP HCM chỉ ra, trong khi nhiều nơi bị chiến tranh tàn phá nặng nề, người dân phải sơ tán, thì Sài Gòn gần như nguyên vẹn.
“Sự an toàn này đã thu hút người dân khắp nơi đến trốn quân dịch, tránh bom đạn chiến tranh, kiếm cơ hội làm ăn”, ông Mười nói.
Người nhập cư không thể vào được nội đô Sài Gòn, nơi được bảo vệ nghiêm ngặt, họ buộc phải cắm cọc, dựng nhà trên đất ruộng hoặc kênh rạch vùng ngoại ô, các quận vùng ven thuộc tỉnh Gia Định xưa. Những khu ổ chuột bắt đầu hình thành với đặc điểm bám đường, bám kênh, nhà tiếp nối nhà, không được quy hoạch, không giấy tờ nhà đất và ở bất hợp pháp.
Báo cáo năm 1972 của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Bộ Công chánh Việt Nam Cộng Hòa cho thấy, trong những năm chiến tranh, Sài Gòn đối mặt làn sóng nhập cư ồ ạt từ nông thôn. Hai nguyên nhân chính là trốn chiến tranh, và tìm kiếm cơ hội đổi đời.
Dân số Sài Gòn tăng gấp bốn lần sau 30 năm, từ hơn một triệu năm 1945 lên gần 3,5 triệu năm 1975. Năm 1989, dân số gần 4 triệu người, tức tăng nửa triệu người từ lúc hoà bình lập lại. Riêng vùng nội thành, dân số tăng hơn 6 lần, trong khi hạ tầng gần như giữ nguyên, dẫn đến quá tải nghiêm trọng. Nhà ổ chuột mọc lên dọc các kênh rạch và vùng đất thấp, thường xuyên thiếu nước sạch, ô nhiễm, khiến nước thải đổ ra sông Sài Gòn lại chảy ngược vào thành phố.
“Sự dị dạng của đô thị đã đeo bám thành phố suốt 50 năm qua khi phải cùng lúc vừa xây dựng, vừa sửa chữa, cải tạo, trở thành thách thức của quá trình phát triển”, ông Võ Kim Cương nói, so sánh rằng việc xây một ngôi nhà trên bãi đất trống luôn dễ dàng hơn trên mảnh đất cũ, nhiều thứ phải đập bỏ.
Đô thị “trên giấy”
Năm 1993, Đồ án quy hoạch chung TP HCM được Thủ tướng phê duyệt, với tầm nhìn năm 2010 đây sẽ là một đô thị 5 triệu dân. Đến năm 1995, ông Võ Kim Cương được bổ nhiệm làm Phó kiến trúc sư trưởng TP HCM – thiết chế thí điểm lần đầu tiên được áp dụng. Hơn một thập kỷ làm nhiệm vụ thúc đẩy những dự án từ bản vẽ vào đời thực, ông chứng kiến cả thành công và tiếc nuối trong quá trình xây dựng thành phố.
Thành phố được quy hoạch để phát triển theo 4 hướng – hướng chính là phía Đông (Thủ Đức đến giáp Dĩ An – Biên Hoà), song song với ba hướng phụ Nam (Nhà Bè), Tây (Bình Chánh), và Bắc (Hóc Môn). Quy hoạch kỳ vọng mở ra các khu đô thị mới, xây dựng trục giao thông chiến lược, giãn dân khỏi lõi trung tâm, giải tỏa và cải tạo các kênh rạch ô nhiễm… Nhiều dự án then chốt, khu công nghiệp cũng được nghiên cứu thành lập.
Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện, ông cảm nhận đồ án đầu tiên có phần trục trặc giữa ý chí của nhà nước và thực tiễn đô thị.
“Nhìn lại, tôi cho rằng có lẽ phương án khi đó còn hơi chủ quan, bởi gần như vẽ đô thị trên đất trống, trong khi thực tế TP HCM rất phức tạp. Sau này mới thấy một số không khả thi”, ông nói.
Ông dẫn chứng, định hướng phát triển về hướng Đông khi đó không thành công bởi nhà nước chưa có tiền làm các tuyến giao thông kết nối. Nhiều ý tưởng quy hoạch cũng chỉ “nằm trên giấy”, như mở rộng lộ giới đường Nguyễn Tri Phương (quận 5) ra 40 m – tức giải tỏa toàn bộ dân cư hai bên đường. Hay trên trục Bắc Nam, phải có một đường song hành Cách Mạng Tháng 8 với lộ giới 30 m.
Nhìn lại giai đoạn này, kiến trúc sư Ngô Anh Vũ, Viện trưởng Quy hoạch Xây dựng (Sở Xây dựng TP HCM), cho rằng quy hoạch có một số hạn chế cả do yếu tố khách quan lẫn chủ quan.
Giai đoạn đó, Việt Nam theo mô hình kinh tế tập trung, bao cấp nên Nhà nước giữ vai trò chính trong đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng lại thiếu vốn. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân cũng đặt ra thách thức khi Nhà nước thu hồi, đền bù để làm dự án. Trong khi đó, đồ án lại không có nhiều dữ liệu về hiện trạng, giá đất, nguồn lực để thực hiện quy hoạch.
“Hạn chế lớn nhất của bản quy hoạch này là không có nguồn lực đi kèm. Vẽ rất nhiều, nhưng trong túi không biết có bao nhiêu tiền. Kế hoạch thực hiện quy hoạch vẫn là những câu khẩu hiệu mà thiếu một kế hoạch triển khai cụ thể”, ông bình luận.
Khi cả nước bước vào thời kỳ Đổi mới, TP HCM có cơ hội vượt lên mạnh mẽ, nhưng ngân sách vẫn còn nhiều khó khăn. Theo ông Cương, đến năm 1989, vốn thực hiện giao thông “không đáng kể so với nhu cầu”. Phải đến năm 1995, nhờ mở cửa kinh tế, tình hình mới được cải thiện. Doanh nghiệp, người dân bắt đầu làm ăn được, xây mới nhà cửa, cùng chính quyền cải tạo bộ mặt đô thị. Các nhà đầu tư cũng tìm đến thành phố khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận với Việt Nam.
Thành phố bắt đầu di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư. Các nghĩa trang ở nội đô được chuyển ra khỏi thành phố, cải tạo thành công viên như: công viên Lê Thị Riêng, quận 10 (nghĩa trang Đô Thành cũ); công viên Lê Văn Tám, quận 1 (nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi cũ)…
Đặc biệt, một trong những điểm sáng tiêu biểu là cải tạo thành công Nhiêu Lộc – Thị Nghè, từ kênh nước đen thành dòng sông xanh, sạch giữa lòng thành phố.
Hồi sinh con kênh “bẩn nhất Sài Gòn”
Khi nộp đơn xin việc vào Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP HCM năm 1996, ông Phan Châu Thuận chưa hình dung được quy mô của dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Đây là ban mới thành lập để giải tỏa hàng nghìn căn nhà lụp xụp đôi bờ và xây dựng hai tuyến đường ven kênh.
Con kênh dài gần 9 km, chảy qua các quận trung tâm – Tân Bình, quận 3, Phú Nhuận, quận 1, Bình Thạnh, và đổ ra sông Sài Gòn. Từ giữa thập niên 60, cùng với rạch Bến Nghé – Tàu Hủ, rạch Thị Nghè bị người dân lấn chiếm, dựng nhà, xả rác thải nên ô nhiễm nặng nề, dòng chảy thu hẹp.
“Ngày mới về, đi khảo sát, thấy con kênh đăng đăng đê đê, bản thân thiếu tự tin lắm. Chẳng biết có làm được không”, ông Thuận khi ấy 39 tuổi, nhớ lại những ngày đầu tiếp cận dòng kênh “bẩn nhất Sài Gòn”.
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè năm 1969 (ảnh trái) và ngày nay. Đây từng được gọi là con kênh ô nhiễm nhất TP HCM. Ảnh: Tư liệu và Trần Quỳnh (ảnh phải)
Kế hoạch khơi thông kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè được lãnh đạo TP HCM đặt ra từ năm 1985. Ba năm sau, thành phố nạo vét thí điểm 50 m gần cầu Nguyễn Văn Trỗi, nhưng phải tạm dừng vì không hiệu quả. Đến năm 1993, dự án được tái khởi động với kế hoạch đầu tư bài bản với nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới. Dù ngân sách eo hẹp, thành phố vẫn bố trí 1.600 tỷ đồng để đền bù giải tỏa và tái định cư cho gần 7.000 hộ dân ven kênh, nạo vét bùn đất, làm đường, trồng cây xanh…
Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP HCM khi ấy có 5 người, tính cả một bảo vệ và Giám đốc ban kiêm Phó giám đốc Sở Giao thông công chánh. Hai nhân sự làm thủ quỹ, kế toán, ông Thuận là nhân viên kế hoạch, kỹ thuật, trực tiếp làm việc với địa phương, sở ngành, nhà thầu xây dựng.
“Số lượng hộ dân quá lớn. Đó thực sự là thách thức lớn nhất của dự án”, ông Thuận, sau này giữ vị trí phó rồi giám đốc dự án, nhớ lại.
Dòng kênh chằng chịt nhà cửa. Có những khu vực vào rồi không biết lối ra vì nhà cửa len lỏi, gá vào nhau như mê cung. Nơi đây còn nổi tiếng có nhiều thành phần “bất hảo”, cờ bạc ẩn náu, luôn tỏ vẻ khó chịu khi đoàn khảo sát xuống địa bàn.
Biết việc thực hiện khó khăn, lãnh đạo thành phố khi đó, đứng đầu là Bí thư Thành ủy Trương Tấn Sang và Chủ tịch UBND thành phố Võ Viết Thanh rất quan tâm, yêu cầu họp giao ban mỗi thứ bảy. Bí thư thường xuyên đi thị sát. Nhờ đó, sở ngành, quận huyện cũng thực hiện “rất rốt ráo”.
Để đẩy nhanh tiến độ, thành phố không chờ giải tỏa hết 7.000 hộ mới bắt đầu xây dựng mà làm “cuốn chiếu” – dân vừa chuyển đi nhà thầu tới san lấp xây liền. Điều này vừa tránh tình trạng tái chiếm, vừa để người dân thấy sự quyết tâm của chính quyền.
Đoạn kênh gần cầu Điện Biên Phủ, phía bờ tây kênh Thị Nghè được chọn làm “hình mẫu”. Khu vực này ngoài đất của quân đội dễ thương lượng, còn lại một vài hộ dân được đưa lên ở chung cư Nguyễn Đình Chiểu. Đoạn kè làm rất nhanh, rác vớt sạch sẽ, đường trải nhựa, trồng cây xanh, lắp đèn sáng lung linh. Từ đó, chính quyền có cơ sở thuyết phục các hộ dân còn lại.
Click để lật ảnh
Click để lật ảnh
Bờ kênh đoạn qua cầu Công Lý (quận 3) qua ảnh tư liệu những năm 1970 và vào năm tháng 4/2021, khi dự án cải tạo hoàn thành. Ảnh: Tư liệu và Quỳnh Trần
Để có quỹ nhà tái định cư, thành phố lập hàng loạt công ty phát triển nhà ở các quận, huyện. Địa phương có kênh chảy qua, gấp rút xây chung cư. Ngoài bán giá rẻ, chính quyền cho trả góp hàng chục năm. Trường hợp xây chưa xong, thành phố bỏ tiền thuê nhà để người dân ở tạm. Nhờ đó, đến năm 1999, gần 7.000 hộ đã đồng thuận rời đi, “hoàn toàn không có sự chống đối”.
Thành công này trở thành “bước chạy đà” cho các giai đoạn kế tiếp. Năm 2003, kế hoạch “hồi sinh” dòng kênh tiếp tục bằng dự án vệ sinh môi trường nước Nhiêu Lộc – Thị Nghè từ nguồn vốn hơn 300 triệu USD của Ngân hàng Thế giới. Năm 2012, công trình cải tạo kênh và xây dựng đường Hoàng Sa, Trường Sa dọc bên được khánh thành.
“Đây là điểm son của công cuộc chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường và đời sống của hàng triệu người dân kể từ ngày thống nhất”, KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch gần 40 năm kinh nghiệm, đánh giá.
Theo ông, công trình này là thành tựu đáng ghi nhận khi so sánh với giai đoạn trước năm 1975, chính quyền cũng muốn cải tạo dòng kênh nhưng không làm được. Nhìn ra thế giới, nhiều nước như Thái Lan, Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc… cũng không xử lý được các nhà bám kênh, rạch giữa lòng thành phố.
Tiếp nối dự án hồi sinh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, một loạt kênh đen, ô nhiễm khác ở TP HCM cũng được cải tạo, chỉnh trang một phần như Tân Hóa – Lò Gốm, Tàu Hủ – Bến Nghé, Kênh Đôi – Kênh Tẻ… Đến nay, khoảng 10.000 nhà lụp xụp trên và ven kênh rạch được di dời, thay đổi bộ mặt đô thị.
Nhìn lại nửa thế kỷ quy hoạch thành phố, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng Võ Kim Cương cho rằng bên cạnh thành tựu, quá trình xây dựng cũng để lại nhiều nuối tiếc.
Dù có vốn đầu tư hạ tầng, quy hoạch lại bị chi phối mạnh mẽ bởi “lực kéo” từ lực lượng tư nhân – người dân và doanh nghiệp. Trong khi đó, Nhà nước không can thiệp kịp thời khiến nhiều khu vực không còn giữ được như quy hoạch ban đầu.
“Có những nơi nếu được thực thi quy hoạch tốt thì bộ mặt đô thị, đời sống người dân đã tốt hơn nhiều. Trong đó, Bình Tân là khu vực tôi thấy tiếc nuối nhất”, ông Cương nói.
Nội dung: Lê Tuyết – Quang Tuệ
Đồ họa: Khánh Hoàng
Bài 2: Cuộc giằng co trong phát triển đô thị của TP HCM
Nguồn tin: https://vnexpress.net/cuoc-tai-thiet-do-thi-sai-gon-sau-chien-tranh-4876771.html