Cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam bảo vệ đất nước đã trở thành biểu tượng của thời đại, khắc ghi vai trò anh dũng, hy sinh của nhiều thế hệ đi trước.
Nội dung được Tổng Bí thư Tô Lâm nói tại cuộc gặp cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sáng 21/4 ở TP HCM.
Tổng Bí thư Tô Lâm bắt tay các đại biểu tại buổi gặp mặt, sáng 21/4. Ảnh: Quỳnh Trần
Mở đầu bài phát biểu, Tổng Bí thư cho biết buổi gặp gỡ là sự tri ân những người vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Cuộc gặp cũng là dịp lãnh đạo Đảng báo cáo về tình hình cũng như lắng nghe ý kiến của những người tâm huyết với sự phát triển của đất nước.
Người đứng đầu Đảng cho rằng không một áng văn nào có thể phản ánh đầy đủ sự vĩ đại của con người và dân tộc Việt Nam, của bộ đội Cụ Hồ trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Không tác phẩm nào có thể diễn tả hết ý chí và sức mạnh to lớn của nhân dân, đất nước trong khát vọng “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Từ trong bão lửa của các cuộc chiến tranh, dân tộc Việt Nam trở thành “lương tri và lẽ sống” của nhiều quốc gia đấu tranh giải phóng dân tộc, thành biểu tượng của thời đại.
Theo Tổng Bí thư, lịch sử cách mạng Việt Nam luôn khắc ghi vai trò anh dũng, trung kiên của các cán bộ lão thành cách mạng, các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và dân quân tự vệ, những người tham gia cách mạng. Những người từng chiến đấu trên mọi chiến trường, mọi mặt trận – từ tuyến đầu rực lửa đến hậu phương vững chắc, từ chiến trường ác liệt Trường Sơn, Tây Nguyên, Nam Bộ đến các chiến khu, bưng biền, trong vùng địch hậu, thậm chí trong cả lao tù.
Nhiều người đã ngã xuống, vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ ở khắp các chiến trường ác liệt, từ Bắc vào Nam, từ núi cao đến biển rộng, từ núi rừng Tây Nguyên tới đồng bằng ven biển. Bước chân của họ đi trên khắp mọi nẻo đường của Tổ quốc, người Bắc vào Nam, người Nam ra Bắc. Nhiều người trở về với vết thương, bệnh tật trên thân thể, với ký ức chiến tranh in sâu trong tâm trí. Có những người tiếp tục lặng thầm cống hiến cho đất nước ở thời bình, từ công tác xã hội, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới đến giáo dục thế hệ trẻ.
“Gặp mặt các đồng chí hôm nay, chúng tôi như thấy lại sự khốc liệt của chiến tranh, thấy trước mắt mình những trận Ấp Bắc, Bình Giã, Ba Gia; thấy chiến thắng Vạn Tường, thấy các bà má Năm Căn, thấy các cô gái Sài Gòn đi tải đạn, cứu thương, giao liên, thấy phong trào học sinh, sinh viên chống Mỹ; thấy 5 cánh quân giải phóng áp sát Sài Gòn, hùng dũng tiến vào Dinh độc lập trưa 30/04/1975…”, Tổng Bí thư nói.
Người đứng đầu Đảng cũng nhắc về những tình cảm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho đồng bào miền Nam ruột thịt. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khát vọng “đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà… Tôi có ý định đến ngày đó sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quí”. Mong muốn và ước nguyện này đã được các thế hệ sau thực hiện.
Sau khi ôn lại lịch sử cuộc chiến tranh giữ nước, Tổng Bí thư nêu một số vấn đề người dân rất quan tâm, nhất là những chủ trương liên quan “quốc kế – dân sinh”. Trung ương xác định nhiệm vụ trọng tâm trước mắt hiện nay như gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, an ninh – trật tự trong nước và khu vực; phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững; nâng cao đời sống của nhân dân…
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại cuộc gặp mặt, sáng 21/4. Ảnh: Quỳnh Trần
Về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, Tổng Bí thư cho hay đây là chủ trương xuất phát từ tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển đất nước lâu dài. Mục tiêu của chủ trương này là nhanh chóng mang lại cuộc sống thực sự ấm no hạnh phúc cho người dân, đất nước ngày một hùng cường; để Việt Nam hội nhập mạnh mẽ hơn vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế quốc tế và nền văn minh nhân loại.
Theo Tổng Bí thư, sau sáp nhập, các tỉnh Nam Bộ từ Bình Thuận trở vào, tính cả Lâm Đồng và Đăk Nông, từ 22 tỉnh, thành phố giảm xuống còn 9 tỉnh. Tiêu chí sắp xếp là tạo không gian phát triển đa dạng cả về tự nhiên, kinh tế, văn hóa; tận dụng tối đa hình thái không gian biển để kích hoạt miền núi – đồng bằng – biển đảo nhằm bổ sung, tương tác hỗ trợ nhau cùng phát triển. Việc này cũng hình thành động lực mới để một số tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; tạo nền tảng hình thành trung tâm kinh tế lớn trong tương lai gần tương tự Singapore, Thượng Hải, Dubai, London, NewYork…
Riêng về TP HCM, Tổng Bí thư cho biết kể từ ngày thống nhất đất nước, thành phố đạt những kết quả đáng ghi nhận. Bộ mặt thành phố có nhiều thay đổi tích cực, hiện đại, văn minh, giàu mạnh hơn. Tuy nhiên để TP HCM “rực rỡ tên vàng”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố cần nỗ lực nhiều hơn, quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa.
Khi sắp xếp, sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu về TP HCM, Tổng Bí thư nói khi thử hỏi AI về quy mô của TP HCM mới như thế nào thì câu trả lời “sẽ có quy mô như Thượng Hải của Trung Quốc”. “Nói như vậy để thấy chúng ta phấn đấu như thế nào nhằm hình thành một trung tâm có tầm cỡ như trên, tạo ra sự phát triển vượt bậc”, ông nói, thêm rằng thành phố luôn là động lực tăng trưởng của cả nước và khu vực, trung tâm đổi mới sáng tạo nhất của cả nước. Nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng đều xuất phát từ TP HCM. Do đó thành phố cần giữ vững vai trò này, trở thành động lực phát triển chính, trung tâm đổi mới sáng tạo của vùng và của cả nước.
Khu trung tâm TP HCM, đoạn công trường Mê Linh, tháng 1/2025. Ảnh: Quỳnh Trần
Theo người đứng đầu Đảng, trong không gian phát triển mới, các địa phương sẽ bổ sung, hỗ trợ, liên kết để cùng tiến bước. TP HCM mới gắn bó sâu sắc hơn với toàn bộ tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long… nhằm huy động tối đa lợi thế riêng biệt của từng địa phương để tái thiết kế chiến lược phát triển vùng, tạo tổng thể mới vượt trội hơn.
Chưa kể sứ mệnh mới cho TP HCM không chỉ trở thành siêu đô thị quốc tế mà còn là trung tâm liên kết, phát triển toàn diện giữa thành phố và cả vùng. Trong đó các tỉnh phía Nam không chỉ đồng hành mà còn chủ động, đóng vai trò là đối tác chiến lược, kiến tạo không gian phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
“TP HCM mới sẽ thành công nếu cả vùng cùng phát triển và cả vùng sẽ thăng hoa khi có thành phố dẫn dắt, hợp tác, chia sẻ để cùng nhau tiến về phía trước”, Tổng Bí thư nói.
Chiều cùng ngày, Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu tướng lĩnh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, điệp báo, biệt động Sài Gòn, du kích, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
>> Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm
Lê Tuyết
Nguồn tin: https://vnexpress.net/cuoc-khang-chien-cua-dan-toc-viet-nam-thanh-bieu-tuong-thoi-dai-4876755.html