Hàng nghìn cò trắng bay về săn bắt tôm, cá tại các cánh đồng mới gieo sạ ở quận Thuận Hóa, nông dân phải canh để xua đuổi tránh hư hại lúa mới gieo.
Những ngày này, cánh đồng giáp ranh giữa phường Thuận An và Dương Nổ, quận Thuận Hóa xuất hiện nhiều đàn cò trắng về săn bắt tôm, cá. Chúng sà vào những ruộng lúa nước sâu vừa được nông dân hút nước, gieo sạ.
Ông Nguyễn Văn Việt, 56 tuổi, ở phường Dương Nổ, quận Thuận Hóa, cho biết cò trắng thường xuất hiện ở Huế vào mùa mưa tầm tháng 9-12, thời điểm cò di cư tìm kiếm thức ăn trên những cánh đồng ngập nước. Vào tháng 2, lúc gieo sạ lúa, cò ít khi về. Tuy nhiên, năm nay cò về nhiều đột biến. Kiếm ăn xong, chúng bay về hướng rừng ngập mặn Rú Chá để trú ngụ qua đêm.
Cách phường Dương Nổ 4 km, cánh đồng ở xã Phú An, huyện Phú Vang cũng xuất hiện hàng nghìn con cò trắng tìm về kiếm ăn. Mỗi buổi chiều, cò bay về khu vực rừng ngập mặn gần đó trú ngụ. “Nhìn đàn cò kiếm ăn trên cánh đồng đẹp thật song lúa mới gieo sạ đang nảy mầm bị giẫm đạp hư hết. Mấy hôm nay, tôi và mấy người trong thôn phải trực xua đuổi đàn cò”, một người dân cho hay.
Thạc sĩ Dương Ngọc Phước, Trường Đại học Nông lâm Huế, cho biết cò trắng và các đàn chim trời thường di cư theo mùa tìm kiếm thức ăn. Khu vực đầm phá Tam Giang rộng hơn 22.000 hecta với nhiều vùng ngập nước trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho chim trời, cò dừng chân trú ngụ kiếm ăn.
Những năm trước, người dân canh đàn chim di cư để đặt bẫy săn bắt, ảnh hưởng đến hệ sinh thái. May mắn tình trạng này ở Huế đã được hạn chế, kiểm lâm và các địa phương cùng vào cuộc ngăn chặn. Diện tích rừng ngập mặn ở vùng đầm phá Tam Giang, khu vực rừng ngập mặn Rú Chá đã tạo hệ sinh thái lý tưởng cho chim trời, cò trú ngụ và sinh sống lâu dài.
“Qua theo dõi, chim trời, cò di cư trong mùa mưa và ở lại các cánh rừng ngập mặn ở Huế lâu hơn. Khu rừng ngập mặn Rú Chá với diện tích mở rộng hơn 10 hecta nằm cạnh các cánh đồng lúa, trở thành nơi các đàn cò trú ngụ, sinh sống lâu dài. Một số loài chim trời cũng chọn nơi đây làm tổ, sinh sống vì nguồn thức ăn xung quanh dồi dào”, thạc sĩ Phước nói.
Ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm TP Huế, đánh giá hiện tượng nhiều đàn cò về trú ngụ, kiếm ăn trên các cánh đồng chứng tỏ môi trường tự nhiên thuận lợi, an toàn cho chúng trú ngụ lâu dài. Rừng ngập mặn Rú Chá và hệ thống rừng ngập mặn ven phá Tam Giang với hệ sinh thái dừa nước, bần chua đang phát triển tốt, trở thành điểm trú ngụ, sinh sống lý tưởng của các đàn chim trời, hình thành điểm dừng chân trú ngụ lâu dài.
Võ Thạnh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/co-bay-trang-canh-dong-tp-hue-4848553.html