Ủng hộ ý tưởng xây đảo vườn giữa sông Sài Gòn để tăng kết nối đôi bờ, KTS Khương Văn Mười cho rằng đây là giải pháp kiến trúc, quy hoạch mới đã được nhiều nước áp dụng.
Liên danh Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) cùng Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR) đang hỗ trợ Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM nghiên cứu quy hoạch, phát triển toàn diện hành lang sông Sài Gòn. Trong đó, đoạn sông chảy qua khu trung tâm (quận 1 – Thủ Thiêm) được đề xuất xây các đảo vườn kết hợp cầu đi bộ nhằm tạo điểm nhấn cho thành phố, tăng kết nối đôi bờ, thu hút đầu tư, cải tạo sinh thái, phát triển không gian công cộng trên mặt nước.
Đồng tình đề xuất này, KTS Khương Văn Mười, nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng làm đảo nhân tạo trên sông là xu hướng, giải pháp kiến trúc, quy hoạch mới trên thế giới. Các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc… đã làm, trên đảo có các công trình độc đáo, tạo điểm nhấn mới lạ thu hút khách du lịch. “Nếu xét về không gian, đảo vườn trên sông Sài Gòn là điểm nhấn và tôi ủng hộ”, ông nói.
Theo ông Mười, công trình này nói riêng và hành lang sông Sài Gòn nói chung được quy hoạch, xây dựng tốt sẽ là động lực góp phần thu hút du lịch, phát triển kinh tế, thúc đẩy thành phố phát triển. Vấn đề còn lại là tính toán các yếu tố dòng chảy, triều cường, đường tàu chạy… để chọn mô hình phù hợp như: đảo đất, làm kè trụ bêtông hay đảo trôi, phao bè.
Chuyên gia cho rằng giải pháp kỹ thuật cần chi tiết, rõ ràng và “tính đến những việc nhỏ nhất” như: đổ đất, trồng, tưới cây, chống gió, xử lý nước thải, vệ sinh, hạ tầng kết nối… Để triển khai, thành phố sẽ giữ vai trò quản lý, kiểm soát và kêu gọi nguồn vốn xã hội, nhà đầu tư tham gia. Cách làm này tương tự như công viên Central Park ở khu Tân cảng, quận Bình Thạnh, được hình thành bằng cách đổ đất, tạo nền từ các cột của cảng.
Đồng quan điểm, TS. KTS Hoàng Ngọc Lan, Viện Đô thị Thông minh và Quản lý (ISCM – Đại học Kinh tế TP HCM), cho rằng làm đảo vườn trên sông Sài Gòn là ý tưởng mới lạ và đột phá. Đề xuất này hướng đến giải quyết một loạt vấn đề của thành phố hiện nay, như giúp tăng không gian công cộng và diện tích cây xanh ở khu trung tâm. Các đảo vườn khi hình thành cũng tạo hình ảnh mới cho sông Sài Gòn, tăng giá trị nhận diện đối với TP HCM, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Tuy nhiên, theo bà Lan, để xây dựng các đảo nhân tạo cần xem xét kỹ nhiều yếu tố. Trong đó, có vấn đề môi trường, đặc biệt là hệ sinh thái của sông Sài Gòn. Bởi các công trình khi hình thành sẽ làm thu hẹp mặt sông, tác động đến dòng chảy. Do vậy, thành phố cần nghiên cứu những thay đổi này ảnh hưởng ra sao đến khu vực hai bờ.
Mặt khác, nếu đề xuất trên được thực hiện, cơ quan chức năng cần tính đến tác động đối với động, thực vật dưới sông, bởi quá trình xây đảo phải sử dụng lượng lớn đất, đá, xi-măng. Hơn nữa, các đảo sau khi hình thành sẽ có nhiều hoạt động của con người, quá trình khai thác cũng cần dùng một lượng lớn phân bón, hoặc thuốc trừ sâu để bảo vệ lớp thực vật phía trên…
“Tất cả những yếu tố này cần có nghiên cứu khoa học, số liệu, nhằm đưa ra giải pháp và quyết định tốt nhất cho việc triển khai”, bà Lan nói và cho rằng sông Sài gòn là một hệ sinh thái tự nhiên được hình thành từ lâu đời, bất kỳ yếu tố tác động nào cũng có thể dẫn đến sự thay đổi. Vấn đề là sự thay đổi đó mang lại những lợi ích hoặc gây ra hệ lụy gì trong tương lai.
Trong khi đó, TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn tỏ ra băn khoăn với đề xuất của đơn vị tư vấn. Theo ông phương án làm đảo giữa sông phù hợp với những nơi có khí hậu mát mẻ như Pháp, châu Âu. Còn thời tiết TP HCM nhiều nắng, mưa và thói quen đi lại của người dân cũng khác. Nếu làm 3-4 cầu đi bộ như phối cảnh tư vấn cung cấp sẽ không có người đi, mục tiêu kết nối đôi bờ không đạt.
“Đồng ý với đơn vị tư vấn là kết nối giữa hai trung tâm quận 1 – Thủ Thiêm qua sông Sài Gòn kém và cần có giải pháp. Tuy nhiên, làm đảo vườn kết hợp cầu đi bộ là không phù hợp”, ông Sơn nói và cho rằng với sông Sài Gòn để tự nhiên, ưu tiên mặt nước là phù hợp và đẹp nhất.
Để kết nối đôi bờ sông Sài Gòn, chuyên gia này đề nghị vẫn cần làm cầu bắc qua Thủ Thiêm nhưng không chỉ dành cho người đi bộ mà thiết kế đa dạng cho các loại hình giao thông công cộng, như xe điện mặt đất (tramway), đường sắt một ray (monorail). Thành phố cũng có thể tính phương án làm đường ngầm qua sông, kết nối đồng bộ với ga metro ngầm trước trụ sở UBND thành phố. “Phương án này tốn kém hơn nhưng tận dụng được không gian mặt nước, không ảnh hưởng đến tàu thuyền qua lại”, ông Sơn nói.
Sở Quy hoạch kiến trúc TP HCM cho biết đơn vị đang tiếp thu các ý tưởng quy hoạch các khu, mô hình phát triển của thành phố trong tương lai, trong đó có đề xuất liên danh tư vấn Pháp về phát triển hành lang sông Sài Gòn. Các đề xuất mới sẽ được tiếp nhận, nghiên cứu, thẩm định kỹ để tham mưu chính quyền thành phố lựa chọn.
Lê Tuyết – Gia Minh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/chuyen-gia-lam-dao-vuon-tren-song-la-giai-phap-kien-truc-moi-4750086.html