Thuốc là mặt hàng đặc thù, liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân nên kinh doanh qua thương mại điện tử phải kiểm soát chặt, theo ông Vương Đình Huệ.
Chiều 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Điểm mới là cho phép kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc trên sàn thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử đã được cấp phép. Luật Dược hiện nay cấm kinh doanh dược tại nơi không phải là địa điểm kinh doanh dược đã đăng ký.
Cơ sở kinh doanh dược theo các hình thức online phải tuân thủ pháp luật về giao dịch điện tử; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bảo mật thông tin của người mua; công khai chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy đăng ký lưu hành, bao bì thương phẩm. Cơ sở bán lẻ thuốc tư vấn, hướng dẫn cách sử dụng thuốc trực tuyến cho người mua và vận chuyển thuốc theo quy định.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng doanh nghiệp dược phẩm có xu hướng mong muốn nới quy định kinh doanh thuốc trực tuyến để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, thuốc là mặt hàng đặc biệt, liên quan đến sức khỏe, tính mạng người dân nên “cần kiểm soát rất chặt, đánh giá tác động cụ thể”.
Ông Huệ đề nghị dự thảo làm rõ việc cấp phép kinh doanh dược phẩm online được áp dụng cho doanh nghiệp có chuỗi nhà thuốc hay chỉ cấp từng cơ sở đơn lẻ. Dự luật cần quy định chi tiết tiêu chuẩn nguồn hàng hóa; xử lý vi phạm; quy trình giao thuốc đến khách hàng; truy xuất nguồn gốc; pháp nhân chịu trách nhiệm xử lý khi xảy ra sự cố sử dụng thuốc.
Ban soạn thảo và thẩm tra cần cân nhắc kỹ dựa trên lợi ích và rủi ro; đánh giá mức độ kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, nghiên cứu kinh nghiệm các nước về vấn đề này. “Làm sao tìm được điểm cân bằng nhất giữa sản xuất kinh doanh, lưu thông thuận lợi với đảm bảo minh bạch, an toàn cho người mua”, ông Huệ nêu ý kiến.
Thẩm tra nội dung này trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh thấy rằng đây là vấn đề mới, dự luật cần xác định loại thuốc nào được kinh doanh online; hình thức kinh doanh; đối tượng được tham gia mua, bán để tạo sự minh bạch. Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị chỉ áp dụng với thuốc không kê đơn; nghiên cứu công cụ kiểm soát mua, bán thuốc đúng đối tượng, đúng mục đích, giá cả hợp lý và bảo mật thông tin.
Đề xuất “hậu kiểm” đối với quảng cáo thuốc
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết dự thảo bãi bỏ quy định phải có xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi quảng cáo thuốc và giao Chính phủ quy định chi tiết yêu cầu đối với nội dung thông tin, quảng cáo thuốc. “Sửa đổi này phù hợp với cơ chế quản lý mới theo hình thức hậu kiểm”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Theo quy định hiện hành, nội dung thông tin, quảng cáo thuốc phải tuân thủ hướng dẫn sử dụng được Bộ Y tế phê duyệt hoặc dược thư quốc gia Việt Nam; tài liệu, hướng dẫn chuyên môn do Bộ Y tế ban hành hoặc công nhận.
Bộ trưởng Y tế cho rằng bản chất của việc xác nhận nội dung thông tin, quảng cáo thuốc là xác nhận chính nội dung đã phê duyệt từ tài liệu nêu trên. Quy định này tạo ra thủ tục hành chính nên cần cắt giảm để tạo điều kiện thông thoáng, tăng tính chủ động cho doanh nghiệp.
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng hồ sơ dự án luật chưa thể hiện được căn cứ thuyết phục để đề xuất bỏ quy định này. Thực tế hiện nay, việc quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng không đúng giá trị, công dụng đang ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe, tâm lý người dân. Bà Thúy Anh đề nghị không chuyển hoàn toàn việc quản lý thông tin thuốc, quảng cáo thuốc sang cơ chế hậu kiểm.
Trường hợp vẫn giữ quan điểm bỏ việc xác nhận nội dung thông tin, quảng cáo thuốc, Ủy ban Xã hội đề nghị quy định ngay tại dự thảo nguyên tắc ghi, yêu cầu đối với nội dung thông tin, quảng cáo thuốc. Cơ quan soạn thảo nghiên cứu chế tài xử lý nghiêm quảng cáo dược phẩm hoặc thực phẩm chức năng sai sự thật hoặc sản phẩm không phải là thuốc nhưng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh trên các nền tảng mạng xã hội.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5).
Nguồn tin: https://vnexpress.net/chu-tich-quoc-hoi-phai-kiem-soat-rat-chat-ban-thuoc-truc-tuyen-4735041.html