Trường Trung cấp 24 Biên phòng phát triển chuyên ngành giảng dạy mới, hướng đến mục tiêu đưa chó nghiệp vụ tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Đại tá Nguyễn Quang Thuyên, Hiệu trưởng trường Trung cấp 24 Biên phòng (Ba Vì, Hà Nội) – nơi duy nhất đào tạo chó nghiệp vụ cho quân đội, cho biết từ khi thành lập năm 1959 đến nay, từ hai chuyên ngành huấn luyện là chó chiến đấu và canh gác mục tiêu, trường đã mở rộng gồm: Chó chiến đấu; phát hiện ma túy; phát hiện chất nổ; tìm kiếm cứu nạn và chó giám biệt nguồn hơi hỗ trợ điều tra hình sự.
Song diễn biến thực tế đặt ra yêu cầu phát triển các chuyên ngành mới trong thời bình. Đơn cử vụ khủng bố ở Đăk Lăk hồi tháng 6/2023 cho thấy cần đào tạo chó nghiệp vụ chống khủng bố; hay huấn luyện chó phát hiện tiền giả; tìm kiếm hài cốt liệt sĩ; tham gia các nhiệm vụ quốc tế… “Mục tiêu cao nhất là đưa chó nghiệp vụ đi gìn giữ hòa bình, đảm bảo an ninh an toàn cho sĩ quan Việt Nam làm nhiệm vụ ở phái bộ, phục vụ công tác cảnh vệ của Lữ đoàn 144, hay làm nhiệm vụ cùng bộ đội đặc công”, đại tá Thuyên nói.
Trường hiện huấn luyện các dòng chó ngoại, như becgie, malinois, labrador và golden. Tùy đặc tính, khả năng, mỗi dòng chó phù hợp với nhiệm vụ riêng. Becgie có lực cơ hàm mạnh, tính uy hiếp lớn, phù hợp chiến đấu trấn áp tội phạm. Malinois sức bền kém hơn becgie, nhưng thông minh và luôn hưng phấn, thường dùng giám biệt nguồn hơi.
Labrador chủ yếu huấn luyện phát hiện ma túy ở sân bay, cửa khẩu, khu vực công cộng. Trường đang đề xuất mua thêm một số loại chó mới để phối giống, huấn luyện như cocker và golden của Anh, border collie của Scotland. Những giống nhỏ, thường nuôi làm cảnh, dễ ngụy trang khi đánh án ma túy.
Theo đại tá Thuyên, hầu hết dòng huấn luyện có nguồn gốc nước ngoài, trong khi một số giống chó bản địa rất thích hợp đào tạo làm nhiệm vụ. Vì thế giữa tháng 7/2023, trường thử nghiệm đưa chó lài sông Mã và Mông cộc vào huấn luyện phát hiện ma túy, hỗ trợ điều tra hình sự, tìm kiếm bom mìn, thuốc nổ sót lại sau chiến tranh ở Quảng Trị… Chó bản địa dễ ngụy trang khi đánh án ở biên giới, thích hợp làm nhiệm vụ bí mật, ít bị nghi ngờ so với chó ngoại.
Hai dòng này đã được huấn luyện cơ bản và năm 2024 sẽ chuyển qua chuyên ngành. Nhà trường hợp tác với Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tuyển chọn thêm một số dòng phù hợp, cùng một số tổ chức nước ngoài đào tạo, lập quy trình khép kín từ chọn giống, nuôi dưỡng đến huấn luyện. “Chúng tôi đặt mục tiêu đưa các dòng bản địa của Việt Nam lên bản đồ chó nghiệp vụ”, đại tá Thuyên nói.
Tuổi đời trung bình của chó nghiệp vụ 10-12 năm, phát triển toàn diện và đạt phong độ cao nhất lúc 5-10 tuổi. Thời điểm vàng để huấn luyện là lúc chó 3 tháng tuổi vì độ hưng phấn cao, ham tìm hiểu khi chơi. Tại trường, chó trên 3 tháng bắt đầu vào “lớp mẫu giáo”, tập làm quen với tên gọi, chơi trò với bóng, giẻ, ăn một số đồ thô và đi cạnh người huấn luyện cho “quen hơi”. 6 tháng tuổi, chó tập kỷ luật vâng lời, nghe khẩu lệnh đứng, nằm, ngồi, kêu, đánh hơi, ngửi, tìm… Chó một tuổi chuyển sang huấn luyện chuyên ngành.
Theo quy định, tiền ăn cho chó nghiệp vụ chia 5 mức, từ 35.000 đến 88.000 đồng mỗi ngày tùy giai đoạn, nhiệm vụ. Trong đó, mức ăn 35.000 đồng cho chó con 15-121 ngày tuổi, theo đại tá Thuyên là không đủ. Vì ngoài cháo dinh dưỡng, chó cần thêm thực phẩm hỗ trợ cơ, xương, sữa công thức. Trong khi với chó nghiệp vụ, 1-9 tháng tuổi là giai đoạn phát triển quan trọng, cần nhiều dinh dưỡng để phát huy năng lực lẫn thể trạng.
Nhà trường cân bằng bằng cách bổ sung của chó mẹ khi nuôi con nhỏ, tăng gia lấy nguồn thực phẩm bổ sung để chó ăn “ngon, sạch và rẻ”. Trường đang đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định, nâng định mức tiền ăn cho chó nghiệp vụ, cũng như chế độ phụ cấp cho huấn luyện viên. “Điều kiện sinh hoạt, dinh dưỡng cho chó nghiệp vụ vẫn còn thiếu thốn. Bộ phận thú y, chăm sóc y tế cho chó gần như chưa được trang bị dù khi huấn luyện, làm nhiệm vụ, chó bị thương, đau ốm là không tránh khỏi”, đại tá Thuyên nói.
Từ năm 1959, Trường Trung cấp 24 Biên phòng đã đào tạo hơn 100 khóa với 3.000 học viên và 3.000 chó nghiệp vụ. Ngoài cơ sở chính Ba Vì, trường có thêm 5 cụm cơ động chó nghiệp vụ tại 6 tỉnh thành Hà Nội, Điện Biên, Lai Châu, Quảng Trị, Gia Lai, Tây Ninh, thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, đánh án ma túy, giao lưu biên giới, tham gia hội thao quân sự quốc tế Army Games, cứu hộ trong nước và làm nhiệm vụ quốc tế tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, trường liên kết đào tạo cho các đơn vị khác trong toàn quân; quân đội và cảnh sát hoàng gia Campuchia.
Sơn Hà – Hoàng Phương
Nguồn tin: https://vnexpress.net/cho-nghiep-vu-se-duoc-dao-tao-tham-gia-gin-giu-hoa-binh-4694000.html