Sự việc xảy ra ở Trường TH&THCS Dực Yên, xã Dực Yên, huyện Đầm Hà, ngày 28/2. CDC Quảng Ninh thông tin không xác định được chủ nuôi, con chó tấn công người bị bắt để tiêu huỷ sau khi xét nghiệm dương tính với virus dại. Những người bị chó cắn đã được điều trị, hiện sức khỏe ổn định.
Từ đầu năm đến nay, huyện Đầm Hà phát hiện hai ổ dịch bệnh dại và tiêu hủy 6 con chó. Sau sự việc trên, chính quyền địa phương đang rà soát các trường hợp có thể bị phơi nhiễm do bị chó cắn thời gian gần đây để khoanh vùng dập dịch.
Những ngày tới, huyện Đầm Hà sẽ đồng loạt ra quân kiểm tra, thống kê chính xác số lượng và tổ chức tiêm phòng 100% chó, mèo nuôi trên địa bàn. Huyện chỉ đạo các địa phương chủ động giám sát chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng chó, mèo thả rông, không có rọ mõm tại nơi công cộng và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.
Huyện đề nghị thôn, xóm tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ dân theo dõi biểu hiện của chó, mèo nuôi trong nhà, nếu thấy bất thường cần báo ngay chính quyền địa phương.
Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn, cào, liếm của con vật mắc bệnh dại lên vùng da tổn thương. Đặc điểm là thời gian ủ bệnh dài, được phát hiện muộn tùy tình trạng vết cắn, thường sau vài tuần, có khi hàng năm. Khi đó, vết thương do chó, mèo cắn đã liền sẹo, thậm chí nhiều người đã quên từng bị con vật cắn.
Bệnh trên người có thể dự phòng bằng vaccine hay huyết thanh kháng dại. Tiêm ngay lập tức và đúng phác đồ có thể phòng bệnh. Biểu hiện của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật.
Bác sĩ khuyến cáo người bị chó, mèo cắn, cào, liếm hoặc tiếp xúc cần rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng đặc và rửa lại bằng nước muối, bôi iốt sát trùng để làm giảm lượng virus tại vết cắn, sau đó đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm phòng dại. Tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam.
Lê Tân
Nguồn tin: https://vnexpress.net/cho-dai-chay-vao-truong-can-14-nguoi-4717686.html