Chợ Bến Thành, Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo, trụ sở UBND quận 1, Cục Hải quan TP HCM, Mộ ông Binh bộ kiểm duyệt Ty được xếp hạng di tích cấp thành phố.
Quyết định xếp hạng di tích cấp thành phố đối với các công trình trên vừa được Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Thị Diệu Thúy ký ngày 20/11. Các công trình này sẽ được khoanh vùng khu vực bảo vệ theo hồ sơ di tích.
Chợ Bến Thành được xây từ năm 1912 đến cuối tháng 3 năm 1914 hoàn tất, đến nay đã hơn 110 năm. Công trình có tổng diện tích khoảng 13.000 m2, giới hạn bởi các trục đường: Phan Bội Châu – Phan Chu Trinh – Lê Thánh Tôn – Công trường Quách Thị Trang. Các ngành hàng kinh doanh chủ yếu ở đây gồm: quần áo, vải sợi, giày dép, thời trang, hàng thủ công mỹ nghệ…
Chợ Bến Thành một trong những công trình biểu tượng của TP HCM, thu hút nhiều người dân, du khách đến mỗi ngày. Công trình từng được cải tạo, sửa chữa giữa năm 1985. Năm ngoái, chợ được sơn lại. HĐND TP HCM đã thông qua quyết định chủ trương đầu tư dự án cải tạo cảnh quan khu vực trước chợ Bến Thành. Ngân sách thành phố sẽ chi 157 tỷ đồng để thực hiện dự án này giai đoạn 2024-2026.
Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo (36 Võ Thị Sáu, quận 1) được xây dựng năm 1932, đến nay đã hơn 90 năm. Đây là một trong những điểm tín ngưỡng linh thiêng của thành phố.
Công trình được xây dựng trong một khuôn viên rộng lớn của chùa Vạn An cũ. Đến năm 1957 đền được xây dựng quy mô hơn, sau đó còn được tu bổ nhiều lần. Hàng năm, đền thờ đều có tổ chức các ngày lễ lớn, trong số đó có lễ giỗ (20 tháng 8 Âm lịch) và lễ sinh (10 tháng Chạp) của Trần Hưng Đạo.
Trụ sở UBND quận 1 (45-47 Lê Duẩn, quận 1) xây dựng năm 1876, đến nay gần 150 năm. Công trình được xây dựng trước cả Nhà thờ Đức Bà, trụ sở UBND TP HCM… Mục đích ban đầu là để làm nơi vui chơi giải trí cho các sĩ quan cao cấp của Pháp. Sau năm 1954, chính quyền Sài Gòn đặt trụ sở Bộ Tư pháp ở đây. Thời gian này, một khối nhà gồm một trệt một lầu được xây dựng thêm ở phía sau. Sau ngày 30/4/1975 đến nay, công trình là nơi làm việc của UBND quận 1.
Di tích Mộ ông Binh bộ kiểm duyệt Ty Thừa vụ lang họ Trần (hẻm 113 Trần Văn Đang, quận 3) được xây vào năm thứ 10 niên hiệu Tự Đức – 1856, cách đây gần 170 năm, thuộc một quan chức nhà Nguyễn. Đây là mộ đôi một bên là ông quan họ Trần giữ chức Thừa vụ lang của Ty kiểm duyệt bộ binh thời vua Tự Đức và mộ còn lại là vợ ông. Mộ được xây dựng bằng vật liệu độc đáo, trang trí đắp nổi, khắc vạch.
Trụ sở Cục Hải quan TP HCM (số 2 Hàm Nghi và 21 Tôn Đức Thắng, quận 1) được xây dựng năm 1885-1887 và là trụ sở Thuế và Hải quan của chính quyền Pháp. Đây cũng là một trong những công trình nổi bật của trung tâm đô thị lúc bấy giờ. Sau năm 1975, công trình được dùng làm trụ sở Cục Hải quan TP HCM đến nay.
TP HCM có khoảng 190 di tích được xếp hạng, gồm: 2 di tích quốc gia đặc biệt, 58 di tích quốc gia, còn lại là di tích cấp thành phố. Di tích được xếp hạng sẽ được bảo vệ, giúp ngăn chặn tình trạng xâm hại và được ưu tiên tiếp cận các nguồn lực bảo tồn từ nhà nước hoặc xã hội hóa.
Lê Tuyết
Nguồn tin: https://vnexpress.net/cho-ben-thanh-den-tho-duc-thanh-tran-la-di-tich-cap-thanh-pho-4818472.html