Năm 2023, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức cao, 112 bé trai trên 100 bé gái, trong khi tỷ số tự nhiên khoảng 105/100.
Báo cáo Tình hình dân số, lao động và việc làm quý IV và cả năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam vẫn ở mức cao. Năm 2022, tỷ số này là 113,7 bé trai trên 100 bé gái, được đánh giá nghiêm trọng. Năm 2020 là 112,1 và năm 2019 là 111,5 bé gái trên 100 bé trai.
Các công bố trước đó chỉ rõ mất cân bằng giới tính tác động xấu tới cấu trúc dân số tương lai và dư thừa nam giới. Năm 2020, Tổng cục Thống kê từng dự báo Việt Nam sẽ thừa 1,5 triệu nam giới từ 15 đến 49 tuổi vào năm 2034 và tăng lên 1,8 triệu vào năm 2059 nếu mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn cao. Thiếu phụ nữ tạo áp lực kết hôn sớm với trẻ em gái, dễ dẫn tới bỏ học để lập gia đình và gia tăng buôn bán phụ nữ.
Mức sinh trung bình của phụ nữ Việt năm qua có xu hướng giảm nhẹ, còn 1,96 con trên một phụ nữ. Mức này đã giảm một nửa so với 3,8 con trên một phụ nữ vào năm 1989. Tổng cục Thống kê dự báo thời gian tới còn giảm tiếp khiến mức sinh trung bình của Việt Nam thấp hơn khu vực Đông Nam Á, khoảng 2 con trên một phụ nữ, thấp hơn mức sinh thay thế là 2,1 con.
Tuổi thọ trung bình của người Việt năm 2023 là 73,7, trong đó nam giới 71,1 và nữ 76,5. Tuổi này đang thấp hơn so với ba nước trong khu vực là Singapore 83, Brunei 78 và Thái Lan 76. Người già Việt Nam đối mặt với nhiều bệnh tật, khoảng 10 năm, thời gian sống khỏe mạnh chỉ khoảng 64 năm, chất lượng sống vì thế bị ảnh hưởng nhiều. Việt Nam đang phấn đấu nâng tuổi thọ trung bình lên 75 với số năm sống khỏe đạt 68 vào năm 2030.
2023 cũng là năm ghi dấu dân số Việt Nam đạt 100,3 triệu người với tỷ lệ nam và nữ khá cân bằng. Các luồng di cư dân số, tốc độ hóa đô thị cùng mở rộng địa giới hành chính làm tăng dân số thành thị lên 38%, nông thôn còn 62%. Mức sinh giảm khiến tốc độ tăng dân số thời gian tới chững lại và giảm dần, năm 2023 còn 0,84% trong khi năm trước đó là 0,98%.
Già hóa dân số “nhanh chưa từng thấy” cùng mức sinh giảm khiến cơ cấu dân số Việt Nam chuyển dịch dần theo hướng tăng tỷ lệ người cao tuổi và giảm dần người trẻ. Tỷ lệ thanh niên giảm từ 23% vào năm 2020 xuống còn 20,9% cuối năm 2022, lao động thanh niên giảm mỗi năm 170.000. Đây là thách thức lớn của Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng nhân lực khi hội nhập kinh tế thế giới.
Để cải thiện tình trạng này, các chuyên gia cho rằng cần thêm chính sách hỗ trợ phụ nữ trong quá trình thai sản đến nuôi con để tăng mức sinh. Lao động nữ đang chịu nhiều áp lực khi phải cân bằng giữa công việc và chăm lo gia đình. Cụ thể cần thêm chế độ nghỉ sinh cho cả cha và mẹ, thiết kế giờ làm linh hoạt cho phụ nữ nuôi con nhỏ, đảm bảo công việc sau thời gian nghỉ thai sản, giảm thuế thu nhập cá nhân và các khoản đóng góp công ích theo hộ gia đình.
Các cấp ngành thực hiện một số chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích tăng mức sinh. Năm 2021, Bộ Y tế ban hành chính sách hỗ trợ tiền hoặc hiện vật cho phụ nữ ở vùng có mức sinh thấp mà sinh đủ hai con trước 35 tuổi.
Hồng Chiêu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/chenh-lech-gioi-tinh-khi-sinh-van-cao-4696625.html