Một số tập châu bản triều Nguyễn bị bết dính, đóng cục như gỗ; nhiều bản đồ, bản vẽ bị gãy vụn không thể mở ra đọc, theo đại diện Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.
Sáng 12/4, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức tọa đàm về Bảo quản, phục chế tài liệu lưu trữ. Ông Trần Đăng Phương, Trưởng phòng Xử lý nghiệp vụ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, cho biết đơn vị đang bảo quản hơn 5.000 m tài liệu gồm Hán Nôm và tiếng Pháp. Tuy nhiên chiến tranh kéo dài, khí hậu và nhiều tác nhân gây hại khiến 80% tài liệu của Trung tâm bị hư hỏng, ố vàng, giòn rách, mủn mục.
Châu bản triều Nguyễn gồm các bản tấu, sớ của triều đình nhà Nguyễn từ triều vua Gia Long năm 1802 đến năm cuối triều vua Bảo Đại 1945, được vua ngự phê, ngự lãm, cũng đã bị hư hỏng một phần. Do đa dạng về chất liệu và kích thước, Châu bản hải bảo quản riêng trong nhiều loại tủ chuyên dụng. Trung tâm cũng nhập nhiều loại hóa chất và giấy từ Nhật Bản để bảo quản song nguồn cung không ổn định và giá thành đắt đỏ.
Theo ông Phương, để khắc phục trong trước mắt, Trung tâm đã đầu tư xây dựng hệ thống bảo quản hiện đại, hạn chế hư hỏng đối với tài liệu, hiện vật, đặc biệt là nội dung quý như Châu bản triều Nguyễn. Trung tâm cũng đẩy mạnh số hóa, hoàn thiện cơ sở dữ liệu, tránh sử dụng tài liệu gốc trong quá trình nghiên cứu.
Bà Điền Thị Hạnh, Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết trước đây đa số Châu bản được cất giữ trong cung, hầu như không được kiểm tra và làm vệ sinh định kỳ. Đến khi mở ra, tài liệu đã bị dính bết, vón cục do điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng trong cung không đảm bảo, chưa kể nguy cơ hỏa hoạn. “Điều này gây khó khăn cho các chuyên gia khi xử lý, thậm chí không thể khắc phục được”, bà Hạnh nói.
Bà đề xuất những tài liệu giấy quý hiếm nên được đưa về bảo quản trong phòng, kho chuyên dụng với hệ thống điều hòa, nhiệt độ, độ ẩm ổn định. Ngoài ra, kho lưu trữ phải lắp camera, báo động chống trộm và hệ thống phòng cháy chữa cháy. Hộp, bìa, cặp đựng tài liệu được làm bằng vật liệu tránh bụi, ánh sáng, tốt nhất là làm bằng giấy, vải, chất liệu phi axit.
Các địa phương cũng không tự ý xử lý tài liệu hư hỏng mà phải mời cơ quan chuyên môn tư vấn kỹ thuật hoặc tham gia xử lý. Người tham gia tu bổ các tài liệu cần có nghiệp vụ bảo quản, chuyên môn về Hán Nôm để không làm sai lệch nội dung tài liệu.
“Nhiều tài liệu bảo quản sai dẫn đến hư hỏng, khó tu bổ”, bà Hạnh nói, lấy ví dụ một số di tích đã cuộn tròn tài liệu, đặt trong ống, túi nylon và cất hòm sắt khiến tài liệu bị gập, gãy, mối mọt. Có nơi cho sắc phong vào khung kính treo lên tường hoặc ép plastic khiến sắc phong bị biến màu do phản ứng hóa học, quang hóa.
Châu bản triều Nguyễn đang được bảo quản tại Trung tâm lưu trữ quốc gia I là khối tư liệu hành chính của Hoàng triều, phần lớn được các Hoàng đế triều Nguyễn phê duyệt và để lại bút tích trên văn bản. Châu bản chứa đựng nhiều thông tin phong phú, có độ tin cậy cao, phản ánh mọi mặt của vấn đề kinh tế xã hội Việt Nam từ đầu thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/chau-ban-trieu-nguyen-bi-xuong-cap-4733407.html