Nghệ AnĐưa Vi Thiên Phú đi chữa đục thủy tinh thể, cô giáo cùng ba người khác lo lắng vì thiếu tiền, may mắn được giám đốc bệnh viện tài trợ ca mổ.
Vi Thiên Phú đang học lớp 4A điểm Khe Bu, trường Tiểu học Châu Khê, huyện Con Cuông. Bố mẹ là người dân tộc Thái, sinh được hai chị em, Phú là con út.
Bản Khe Nà, nơi gia đình Phú sinh sống, là vùng xa xôi cách trở, khó khăn nhất của xã Châu Khê. Nơi đây mới hòa điện lưới vào năm 2024, trước đó người dân phải dùng đèn dầu, nến… để sinh hoạt vào buổi tối. Dân trong bản chủ yếu là người Thái, nhận thức hạn chế. Hàng ngày họ đi rẫy gieo trồng, chặt keo thuê.
Ở trên nương rẫy nhiều hơn ở nhà, bố mẹ Phú dành rất ít thời gian chăm sóc con cái. Chị Hà Thị Thu (mẹ Phú) kể vài năm trước Phú từng bảo “mắt hơi mờ mờ”. Cô giáo cũng nhắn chị Thu đưa Phú đi kiểm tra mắt vì nhiều lúc em nhìn chữ không rõ. Tuy nhiên vì nhà nghèo, lại nghĩ đơn giản là bệnh lý thông thường nên vợ chồng chị chưa một lần đưa con đi khám.
“Thỉnh thoảng Phú va vào bàn ghế rồi ngã. Lúc học bài luôn cúi sát vở để viết, chữ to, chữ nhỏ xiêu vẹo, nhưng tôi cũng không biết con bị bệnh”, chị Thu nói.
Em Vi Thiên Phú và mẹ Hà Thị Thu lúc xuống TP Vinh chữa mắt. Ảnh: Đức Hùng
Tháng 9/2024, cô Nguyễn Thị Hòa, giáo viên trường Tiểu học Châu Khê, được cử vào công tác tại điểm trường Khe Bu, chủ nhiệm lớp 4A. Hôm đầu tiên nhận lớp, cô Hòa kiểm tra năng lực đọc của học sinh, thấy Phú đọc không rõ chữ và con số, đầu luôn cúi xuống dưới. Hỏi vài em ngồi bên cạnh, cô được cho biết “bạn ấy không nhìn rõ lâu rồi”.
Những ngày sau cô Hòa chuyển Phú từ bàn thứ ba lên bàn đầu để theo dõi. Tuy nhiên, tình hình vẫn không cải thiện. Lúc đứng trên bảng, Phú luôn mệt mỏi, nheo mắt để nhìn nhưng mọi thứ vẫn nhòe. Nhiều lần gọi điện, đến nhà gặp bố mẹ Phú thúc giục đưa con đến bệnh viện kiểm tra mắt, song cô Hòa chỉ nhận được những cái gật đầu và lời hứa của chị Thu.
Mỗi ngày Phú tới lớp, cô Hòa luôn hỏi “khám mắt chưa”, song Phú đáp lại bằng cái lắc đầu. Đến giữa tháng 3/2025, gặp mẹ Phú tại bữa cơm đầy tháng của một người dân trong bản Khe Nà, cô Hòa lại bảo “bệnh của Phú ngày một nặng, không chần chừ được nữa, vợ chồng em phải đưa cháu tới bệnh viện”.
Chị Thu đáp lâu nay biết cô rất quan tâm Phú, nhưng không phản hồi vì “chưa biết xoay xở đâu ra tiền”.
Bác sĩ kiểm tra mắt cho Phú. Ảnh: Đức Hùng
“Thôi được rồi, em về nhà xếp đồ đạc, ngày mai cô sẽ chở cháu đi khám”, cô Hòa nhớ lại lời dặn với mẹ của Phú. Chiều hôm đó, cô Hòa chở Phú đến nhà mình ở thị trấn Trà Lân cách trường khoảng 30 km nghỉ qua đêm, để sáng hôm sau tới Trung tâm Y tế huyện Con Cuông kiểm tra mắt.
Khi bác sĩ kết luận Phú bị “mù bẩm sinh, mắt trái còn 10% thị lực, mắt phải khả năng mù vĩnh viễn, rất khó chữa”, cô Hòa bật khóc. Bác sĩ khuyên cô giáo cùng gia đình nên đưa Phú lên bệnh viện tuyến trên chữa trị.
“Mẹ Phú hoảng hốt khi tôi gọi điện thuật lại lời bác sĩ”, cô Hòa kể. Chồng mất 5 năm trước, đang nuôi hai con nhỏ, cô Hòa rất muốn đưa Phú đi chữa trị nhưng tài chính eo hẹp. Cô khuyên chị Thu đưa con xuống bệnh viện ở TP Vinh hoặc ra Hà Nội khám, sẽ giúp ít chi phí, sau này về hỗ trợ thêm tiền cắt kính.
“Phú cũng bằng tuổi con trai tôi. Nghĩ đến đứa trẻ ngoan ngoãn đối mặt với nguy cơ sống trong bóng tối, lòng tôi đau như cắt”, cô Hòa nói.
Trung tá Nguyên khóc khi kể về quá trình kêu gọi bạn bè chữa mắt cho Phú. Ảnh: Đức Hùng
Sáng 20/3, cô Hòa chở Phú trở lại điểm trường Khe Bu. Đến cổng, Phú bước vào lớp song vấp phải. Cùng lúc, trung tá Nguyễn Việt Nguyên (em trai cô Hòa), Trưởng Công an xã Châu Khê, lái xe máy chạy tới. Anh Nguyên hỏi chị gái: “Sao cậu bé đi liêu xiêu vậy”.
Sau khi nghe câu chuyện của Phú kèm lời nhắn nhủ “chị thương nó nhưng không có tiền, em xem có cách nào không”, anh Nguyên bảo “để em tính”. Mới về xã 4 tháng, anh chưa có dịp tìm hiểu sâu về gia đình Phú, nhưng nghe chị gái kể thì rất thương.
Về trụ sở, trung tá Nguyên gọi điện cho anh Thái Nguyên, làm nghề kinh doanh trên địa bàn, nhờ hỗ trợ. Người bạn đồng ý ngay, bảo cứ đưa Phú xuống TP Vinh khám, “vài chục triệu đồng thì doanh nghiệp và công an góp tiền lo, cao hơn thì kêu gọi cộng đồng giúp cháu”.
Tối hôm đó, trung tá Nguyên kể chuyện với vợ, được hiến kế trường hợp chi phí quá lớn thì tổ chức giải bóng chuyền kêu gọi người dân và nhà hảo tâm ủng hộ, chữa ở TP Vinh không được thì đưa ra Hà Nội.
Sáng 21/3, Phú, chị Hà, cô Hòa và trung tá Nguyên được anh Thái Nguyên lái ôtô vượt hơn 150 km từ huyện Con Cuông đến TP Vinh, vào một bệnh viện mắt kiểm tra. Bác sĩ cho hay bệnh nhi bị đục thủy tinh thể bẩm sinh, mắt phải thị lực bằng 0; mắt trái kém, tầm nhìn chưa đến một mét.
Thấy ca bệnh phức tạp, kíp trực báo cáo với lãnh đạo hội chẩn, kết luận Phú phải thay thủy tinh thể. Nếu không em sẽ gặp khó trong sinh hoạt, học tập, nguy cơ mù hoàn toàn rất cao.
Cô Hòa đưa Phú vào phòng mổ, ngày 22/3. Do mẹ Phú không biết chữ nên cô giáo đi làm thủ tục, ký mọi giấy tờ để làm hồ sơ phẫu thuật cho học trò. Ảnh: Hùng Lê
Tới kiểm tra tình trạng bệnh nhân, bác sĩ Hoàng Trung Kiên, Giám đốc khu vực miền Bắc, Chủ tịch hội đồng chuyên môn bệnh viện, tò mò thấy những người đi cùng Phú bộc lộ nhiều tâm trạng. Trung tá Nguyên và anh Thái Nguyên thì sốt ruột, đi lại liên tục ngoài hành lang, cô Hòa và chị Thu ôm nhau khóc.
Hỏi từng người, bác sĩ Kiên nói: “Ai cũng thương bé, vậy chẳng lẽ bệnh viện đứng ngoài cuộc? Tôi đã trao đổi với lãnh đạo đơn vị, quyết định tài trợ 100% chi phí ca mổ”. Trước kia bệnh viện từng miễn phí cho nhiều bệnh nhân nghèo.
Theo bác sĩ Kiên, trường hợp của Phú được phát hiện chậm cũng dễ hiểu, bởi mắt em mờ dần qua thời gian chứ không phải mờ hẳn ngay từ khi mới lọt lòng. Em sống trong điều kiện thiếu thốn, thường dùng đèn dầu thắp sáng, đến năm ngoái cả bản mới hòa điện lưới, vì thế mọi thứ luôn “mờ ảo, khó nhận biết”. Nếu phụ huynh không sâu sát thì dường như không phát hiện ra điều bất thường.
Căn bệnh của Phú là đục thủy thủy tinh thể bẩm sinh, khó chữa trị hơn các ca khác, đòi hỏi phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm mới giúp mắt hồi phục hoàn toàn. Vì thế, Giám đốc Kiên quyết định trực tiếp đứng ra mổ.
Ngày 22-23/3, ca phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo cho đôi mắt của Phú hoàn thành. Bác sĩ kết luận thành công, hai mắt bệnh nhi hồi phục. Đứng từ xa giơ tấm bảng, Phú đọc vanh vách rõ từng số, trung tá Nguyên ôm lấy anh Thái Nguyên rồi cả hai cùng khóc. Đây là lần đầu tiên hai người đàn ông tên Nguyên rơi nước mắt, sau hai ngày “nín thở” theo dõi quá trình chữa bệnh của Phú.
Phú (ngồi bàn đầu, bên phải) đã trở lại lớp học, song phải đeo kính bảo vệ mắt. Ảnh: Hùng Lê
Ca mổ hết gần 100 triệu đồng được bệnh viện tài trợ. Dù bác sĩ Kiên ngỏ ý muốn hỗ trợ một số khoản hậu cần, trung tá Nguyên và anh Thái Nguyên nói “anh giúp khoản lớn rồi, từng này tụi em lo được”. Cả hai cùng chi trả chung 13 triệu đồng, là tiền đi lại, ăn ở trong những ngày cả đoàn đưa Phú đi chữa trị.
Phú tâm sự rất vui khi được nhiều người giúp hồi sinh đôi mắt. Từ TP Vinh trở về huyện Con Cuông, ngồi trên ôtô, đi dọc đường Phú liên tục nhìn qua cửa kính đọc rõ từng chữ trên ghi trên biển quảng cáo bên đường. Mẹ khuyên nên ngủ để lấy sức, song Phú đáp “chưa bao giờ con được nhìn rõ như thế, muốn xem mãi”.
Cậu bé đã trở lại lớp học song phải đeo kính bảo vệ mắt, đi khám định kỳ. Em quyết tâm học thật tốt, mơ ước sau này trở thành chiến sĩ công an.
Đức Hùng
Nguồn tin: https://vnexpress.net/cau-be-ngheo-duoc-hoi-sinh-doi-mat-nho-nhung-tam-long-4871432.html