Việc hình thành tổ hợp báo chí truyền thông được xem là giải pháp hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả quản trị và thúc đẩy phát triển báo chí trong kỷ nguyên số.
Tại Hội thảo Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số được tổ chức ngày 16/5, nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng mô hình tổ hợp báo chí truyền thông là yêu cầu cấp thiết để hiện đại hóa cơ quan báo chí và đổi mới phương thức quản trị theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.
Một trong những điểm mới đáng chú ý trong Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi là việc bổ sung quy định về mô hình tổ hợp báo chí truyền thông. Các tổ hợp này có thể có nhiều cơ quan báo chí trực thuộc, được áp dụng cơ chế tài chính, lao động, tiền lương như doanh nghiệp, được thành lập hoặc góp vốn vào doanh nghiệp trực thuộc. Mô hình tổ hợp gồm hai loại: tổ hợp báo chí truyền thông chủ lực đa phương tiện và tổ hợp báo chí truyền thông địa phương. Chính phủ sẽ quy định chi tiết điều kiện, tiêu chí, cơ chế tài chính và thẩm quyền thành lập các tổ hợp này.
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Hải, Trưởng Ban Tạp chí Cộng sản điện tử, nhấn mạnh rằng việc hình thành tổ hợp truyền thông tại Việt Nam là xu hướng tất yếu và khách quan trong quá trình phát triển báo chí. Dẫn ví dụ từ Trung Quốc, ông cho biết quốc gia này tuy vẫn coi báo chí là đơn vị sự nghiệp nhưng tổ chức và quản lý theo mô hình doanh nghiệp.
TS Lê Hải, Trưởng Ban Tạp chí Cộng sản điện tử. Ảnh: Hoàng Phong
Theo ông Lê Hải, các tổ hợp truyền thông sẽ là động lực hoàn thiện thể chế, môi trường hoạt động báo chí và chiến lược quy hoạch phát triển báo chí quốc gia. Hiện phần lớn cơ quan báo chí Việt Nam vẫn duy trì mô hình tổ chức cũ với phương thức quản trị chưa hiệu quả, dẫn đến mô hình không còn phù hợp với yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất và môi trường truyền thông hiện đại.
Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Group, cho rằng nếu dự luật cho phép báo chí tổ chức theo mô hình tổ hợp thì cũng cần mở quyền cho họ được xây dựng hệ sinh thái truyền thông riêng, có khả năng liên kết và tự do kinh doanh. Theo ông, luật cần tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan báo chí tự chủ và sáng tạo trong khuôn khổ pháp luật.
Ở góc độ tổ chức, ông Nguyễn Kim Khiêm, Tổng giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, đặt vấn đề về tư cách pháp lý của mô hình tổ hợp báo chí truyền thông. Ông cho rằng tổ hợp truyền thông hiện mới chỉ là tên gọi tổ chức, chưa biết sẽ hoạt động với tư cách pháp nhân độc lập hay là một phần trong hệ thống đơn vị sự nghiệp. Vì vậy ông đề xuất cần có một hội thảo chuyên sâu để làm rõ các yếu tố pháp lý, tài chính và cơ chế vận hành của mô hình tổ hợp này, nhằm hoàn thiện quy định trong quá trình xây dựng luật.
Đại diện cơ quan soạn thảo, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, cho biết việc sửa đổi luật lần này tập trung vào các định hướng lớn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư như tăng cường quản lý báo chí, nâng cao chất lượng đội ngũ người làm báo, thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí và điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng. Một điểm nhấn là phân định rõ vai trò quản lý giữa Trung ương và địa phương, với 30 nội dung dự kiến giao Chính phủ và các cơ quan chức năng quy định chi tiết, đồng thời phân quyền thêm cho địa phương trong 10 thủ tục hành chính.
Ngoài ra, dự thảo cũng đưa ra quy định chặt chẽ với hoạt động báo chí trên môi trường số. Theo đó, các kênh nội dung của cơ quan báo chí trên mạng xã hội và ứng dụng Internet phải đăng ký, kết nối hệ thống với cơ quan quản lý nhà nước và đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về báo chí, an ninh mạng và các điều ước quốc tế Việt Nam đã ký kết.
PGS Lê Hải Bình, Thứ trưởng Thường trực Văn hóa Thể thao và Du Lịch. Ảnh: Hoàng Phong
Chủ trì hội thảo, PGS Lê Hải Bình, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, nhấn mạnh rằng việc sửa đổi Luật Báo chí không chỉ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, mà còn mang tính kiến tạo, mở ra hành lang pháp lý mới cho sự phát triển của báo chí trong hành trình 100 năm tiếp theo. Dự thảo lần này bao gồm nhiều nội dung quan trọng như vấn đề kinh tế báo chí, chuyển đổi số, và đặc biệt là mô hình tổ hợp báo chí truyền thông.
“Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến các chuyên gia, đồng thời bám sát các nghị quyết của Đảng và pháp luật hiện hành để kịp thời điều chỉnh, bổ sung trong quá trình hoàn thiện luật”, ông Hải Bình nói.
Sơn Hà
Nguồn tin: https://vnexpress.net/can-xay-dung-to-hop-bao-chi-truyen-thong-tai-viet-nam-4887280.html