Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đến nay các cơ quan của Chính phủ giảm trung bình 30% đầu mối bên trong, có nơi giảm 50%.
Tại hội nghị Chính phủ và địa phương sáng 8/1, Thủ tướng cho biết trên cơ sở giảm đầu mối bên trong, các cơ quan của Chính phủ đã cơ cấu lại đội ngũ lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của Chính phủ là đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy “tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả”. “Những việc làm được ngay thì làm theo chỉ đạo, những vấn đề còn vướng mắc thì tiếp tục lắng nghe các ý kiến xác đáng, báo cáo cấp có thẩm quyền để tiếp tục hoàn thành”, lãnh đạo Chính phủ nói.
Cơ cấu Chính phủ hiện nay gồm 18 bộ; 4 cơ quan ngang bộ; 8 cơ quan trực thuộc. Theo kế hoạch định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ công bố ngày 6/12/2024, dự kiến 14 bộ, cơ quan ngang bộ được sắp xếp và hợp nhất. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hợp nhất với Bộ Tài chính; Bộ Giao thông Vận tải hợp nhất với Bộ Xây dựng; Bộ Tài nguyên và Môi trường hợp nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Thông tin và Truyền thông hợp nhất với Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hợp nhất với Bộ Nội vụ.
Chính phủ sau tinh gọn dự kiến còn 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ; giảm 5 bộ và 4 cơ quan trực thuộc, 12/13 tổng cục và 500 cục. Nhiều bộ sau hợp nhất sẽ giảm nhiều đầu mối bên trong, như Bộ Tài chính và Kế hoạch Đầu tư sau hợp nhất giảm khoảng 31,4% đầu mối và không duy trì mô hình tổng cục. Bộ Xây dựng và Giao thông Vận tải hợp nhất dự kiến giảm 41% đầu mối, còn 25-27 đơn vị.
Dự kiến sau khi hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm từ 55 xuống còn 30 đầu mối. Tổng cục Thuế sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy sẽ tổ chức mô hình 3 cấp, gồm thuế Nhà nước, khu vực và quận, huyện.
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy ảnh hưởng đến khoảng 100.000 người và dự kiến cần 130.000 tỷ đồng để giải quyết chế độ. Trong đó, 111.000 tỷ đồng dùng để thực hiện chế độ chính sách với cán bộ, công chức, viên chức; 4.000 tỷ đồng cho người lao động; 9.000 tỷ đồng dành cho cán bộ, công chức cấp xã; 4.000 tỷ đồng để đóng bảo hiểm xã hội; và 2.000 tỷ đồng cho đào tạo, bồi dưỡng. Nguồn kinh phí này sẽ được cấp từ ngân sách nhà nước và nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/cac-co-quan-cua-chinh-phu-giam-30-dau-moi-4836990.html