Ngoài xây dựng, kiến trúc, hạ tầng, Bộ Xây dựng quản lý 5 lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không dân dụng.
Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng sau khi hợp nhất hai bộ Xây dựng và Giao thông Vận tải.
Theo đó, Bộ Xây dựng là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Quy hoạch xây dựng, kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn; nhà ở; công sở; thị trường bất động sản; vật liệu xây dựng và các lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không dân dụng trong phạm vi cả nước.
Bộ Xây dựng có 19 đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước gồm: Văn phòng, Thanh tra, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch Tài chính, Vụ Quy hoạch Kiến trúc, Vụ Vận tải và An toàn giao thông, Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và Vật liệu xây dựng, Cục Kinh tế Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Cục Phát triển đô thị, Cục Kết cấu hạ tầng xây dựng, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Trụ sở Bộ Xây dựng tại số 37 Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Ngọc Diễm
Ngoài ra, 4 đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ chức năng quản lý nhà nước của bộ gồm: Trung tâm Công nghệ thông tin, báo Xây dựng, tạp chí Xây dựng, Học viện Chiến lược, bồi dưỡng cán bộ xây dựng.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đề xuất các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng từng được sắp xếp tại Nghị định số 52/2022 và Nghị định số 56/2022 vẫn tiếp tục hoạt động theo quy định cho đến khi Bộ Xây dựng hoàn thành việc sắp xếp tổ chức.
Riêng Vụ Quản lý doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động cho đến khi Bộ Xây dựng hoàn thành việc tái cơ cấu. Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, chậm nhất đến hết năm 2030 phải sắp xếp theo hướng giải thể.
Hồi tháng 12/2024, bà Đỗ Thị Phong Lan, Phó vụ trưởng Tổ chức cán bộ, Bộ Xây dựng, cho biết theo kế hoạch sau khi hợp nhất hai bộ Xây dựng và Giao thông Vận tải, số đầu mối có thể giảm 35-41%, còn 25-27 đơn vị. Trong đó, khối tham mưu tổng hợp 6 đơn vị; khối chuyên ngành 14-16; khối sự nghiệp công lập 5 đơn vị. Trước đó Bộ Xây dựng có 19 đơn vị, Bộ Giao thông Vận tải 23 đơn vị.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/bo-xay-dung-se-quan-ly-5-linh-vuc-van-tai-4849184.html