Đại biểu Lý Thị Lan (Phó đoàn tỉnh Hà Giang) nêu lên thực trạng giá vé máy bay trong nước thời gian qua tăng cao dẫn đến giá tour du lịch nội địa tăng so với tour quốc tế. Điều này ảnh hưởng đến sự phục hồi chung của ngành du lịch. Bà đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để giải quyết vấn đề này, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận đây là vấn đề bức xúc thời gian qua. Ông nói giá vé máy bay thuộc trách nhiệm Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính, song Bộ Văn hóa không đứng ngoài cuộc. Giá tăng tác động đến kinh tế xã hội nói chung, trong đó có lĩnh vực du lịch.
Theo ông Hùng, trong cơ cấu giá tour, giá vé máy bay và dịch vụ chiếm 30-40%. Do đó, giá vé tăng sẽ ảnh hưởng đến giá tour, giảm năng lực cạnh tranh của tour nội địa. Khi làm việc với các đơn vị liên quan, ông được biết giá vé tăng do chi phí dịch vụ ở sân bay, giá đầu vào nhiên liệu và số lượng máy bay phải bảo dưỡng lớn.
“Chúng tôi đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, ban hành chính sách giảm giá, phí điều hành tại các sân bay, góp phần hạ giá tour”, ông Hùng cho hay.
Bộ trưởng đề nghị các hãng hàng không đảm bảo số lượng máy bay để phục vụ các tuyến và tăng cường chuyến đêm, mở rộng khung giờ bay để đáp ứng nhu cầu đi lại. Các doanh nghiệp lữ hành cần tối ưu hóa chương trình tour, xây dựng điểm đến linh hoạt và xây dựng gói sản phẩm kích cầu trong du lịch, hỗ trợ lẫn nhau để hạ giá thành.
Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, từ ngày 28/5, giá vé tại các tuyến đã giảm nhiệt. Theo ông Hùng, lĩnh vực này phải quán triệt quan điểm “lợi ích hài hòa – rủi ro chia sẻ”. Hàng không, điểm đến du lịch và các ngành kinh tế phải tính toán kỹ lưỡng.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Phó đoàn tỉnh Ninh Bình) cho rằng phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam còn khá mới mẻ, nhưng sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa đã ít nhiều tạo nên hiệu ứng du lịch. Bà đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp cần thực hiện để phát huy vai trò của ngành công nghiệp văn hóa trong mối liên kết với du lịch.
Bộ trưởng Hùng cho rằng trong chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam tầm nhìn 2030 đã xác định Việt Nam có 12 ngành công nghiệp văn hóa. Bộ đã tham mưu cho Thủ tướng tổ chức hội nghị phát triển công nghiệp văn hóa. Quan điểm của Thủ tướng là “tư duy sắc bén, hành động sắc sảo, lựa chọn tinh hoa” để đột phá phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Công nghiệp văn hóa cần phát triển theo hướng sáng tạo, bản sắc, chuyên nghiệp, cạnh tranh và bền vững. “Đi theo hướng này, chắc chắn ngành công nghiệp văn hóa của chúng ta sẽ đóng góp vào GDP, hy vọng đến 2030 là 7%”, ông Hùng nói.
Theo Bộ trưởng, các giải pháp phải tiến hành đồng bộ để du lịch văn hóa chiếm tỷ trọng nhiều hơn. Hiện nay, du lịch văn hóa mới đóng góp 10-15% trong tỷ trọng du lịch, chưa tương xứng tiềm năng. Tuy nhiên nhiều địa phương đã làm rất tốt nội dung này.
Ông lấy ví dụ như Nhà tù Hỏa Lò là nơi giam giữ nhà lãnh đạo, chiến sĩ cách mạng yêu nước, nơi lưu giữ ký ức lịch sử hào hùng, nhưng từ khi có các hoạt động vào buổi đêm, du khách đến trải nghiệm rất đông và có ấn tượng sâu sắc.
Đồng bào thiểu số phải yêu tiếng của dân tộc mình
Đại biểu Leo Thị Lịch cho hay Bộ trưởng nhiều lần nhắc đến vấn đề tiếng nói và chữ viết của dân tộc hiện nay đang được phục dựng và khôi phục. Song bà Lịch thấy chữ viết và văn hóa bản sắc dân tộc không những ngày càng mai một mà chỉ 10-20 năm đồng bào dân tộc thiểu số sẽ không còn nói được tiếng nói của mình. Bà đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để bảo vệ và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết trong quá trình hội nhập, giao thoa giữa các nền văn hóa thì quan trọng nhất là nâng cao nhận thức. Các dân tộc phải yêu thích chính nét đẹp văn hóa của mình.
“Nâng cao nhận thức nghe có vẻ kinh điển nhưng nhận thức tốt sẽ có sản phẩm đẹp. Ví dụ, nếu đồng bào không yêu thích trang phục của dân tộc mình mà chỉ thích mặc quần áo của người Kinh thì làm gì còn bản sắc văn hóa. Ngôn ngữ cùng vậy, mình phải tự học, tự thực hành, yêu thích nó thì mới có thể giữ gìn”, ông Hùng nói.
Phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng kết thúc lúc 8h35. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch diễn ra sôi nổi, với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao.
Phiên chất vấn (cả chiều qua và sáng nay) có 45 lượt ý kiến phát biểu (trong đó có 37 ý kiến chất vấn, 8 ý kiến tranh luận). Bộ trưởng đã chuẩn bị kỹ nội dung, nắm chắc vấn đề, “trả lời thẳng thắn, tâm huyết”, các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra.
Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch và các Bộ trưởng liên quan tập trung vào 5 nhiệm vụ, giải pháp. Thứ nhất là rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tuyển chọn, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực trong các lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật chuyên sâu, đặc thù.
Thứ hai là khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ ba là sớm ban hành và triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ tư là đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch; rà soát, hoàn thiện cơ chế quản lý, vận hành và phát huy vai trò của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Thứ năm là tăng cường đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/bo-truong-nguyen-van-hung-gia-ve-may-bay-da-ha-nhiet-4754902-tong-thuat.html