Quảng NamĐang phụ trách phòng thiết kế ôtô của doanh nghiệp lớn, anh Phạm Văn Huệ bất ngờ chuyển hướng làm dầu lạc, dầu vừng dù bị gia đình phản đối.
Sau 5 năm từ con số không, anh Pham Văn Huệ, 38 tuổi, ở phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ, gây dựng được nhà máy sản xuất dầu ăn nguyên chất rộng 400 m2 với dây chuyền công nghệ hiện đại, mỗi ngày cho ra thị trường hàng trăm lít dầu lạc (dầu phụng), dầu vừng (dầu mè). Sản phẩm đã có mặt ở nhiều siêu thị và nhà hàng, khách sạn nổi tiếng.
Sinh ra trong gia đình nông dân có ba người con ở vùng biển bãi ngang huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, năm 2004 anh Huệ thi đậu ngành Kỹ thuật ôtô, Đại học Bách khoa TP HCM. Tốt nghiệp, anh về làm tại một doanh nghiệp ôtô ở khu công nghiệp Chu Lai, tỉnh Quảng Nam, lĩnh vực thiết kế ôtô. Năm 2012, anh được cử đi Hàn Quốc đào tạo chuyên sâu 3 năm.
Kết thúc khóa học, anh Huệ quay lại doanh nghiệp tiếp tục làm việc, phụ trách phòng Kỹ thuật – R&D thiết kế ôtô với mức lương 16 triệu đồng. Tuy nhiên, cuối năm 2017, anh bất ngờ xin thôi việc để khởi nghiệp với nghề ép dầu lạc, dầu vừng. Cha mẹ la mắng, bạn bè bảo anh khùng, vì công việc đang ổn định, thu nhập tốt. Trong khi chế biến nông sản rủi ro cao, lợi nhuận thấp, có thể trắng tay.
Lắng nghe tất cả, song anh Huệ không lay chuyển. Từ nhỏ, anh quá quen với củ lạc, hạt vừng. Vào mùa, anh cùng bố mẹ ra đồng thu hoạch lạc đem phơi khô bán cho thương lái để làm kẹo cu đơ, món kẹo nổi tiếng của Hà Tĩnh. Ở Quảng Nam, hầu hết người dân đến mùa thu hoạch lạc, vừng thì ép lấy dầu. Loại này rất béo, nhiều chất chống oxy hóa như vitamin E, nhưng chưa được nhiều người biết đến.
Thời gian học xa xứ, anh Huệ thấy Hàn Quốc không phải đất nước nông nghiệp, nhưng lại có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp cao cấp được bán tại siêu thị. Mỗi sản phẩm được sản xuất, đóng gói đạt tiêu chuẩn cao, giá trị kinh tế vượt trội so với dầu ăn thủ công ở Quảng Nam. “Tại sao không đầu tư máy móc để khai thác giá trị nông sản quê nhà”, anh Huệ tự hỏi và nung nấu ý định khởi nghiệp.
Một lý do khác khiến anh chuyển hướng vì học ngành thiết kế, cần không gian mở để sáng tạo. Tuy nhiên, công việc ở doanh nghiệp theo khuôn khổ giờ giấc, bị gò bó khiến anh áp lực, không phát huy hết khả năng.
Sau khi thôi việc, anh Huệ đi nhiều nơi ở Quảng Nam và Quảng Ngãi học hỏi, tạo chuỗi thu mua nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc; đặt mua máy móc, thiết bị từ nước ngoài. Giữa năm 2018, Hợp tác xã sản xuất dầu nguyên chất Bảo Tâm ra đời. Căn nhà cấp bốn ở phường Tân Thạnh trở thành xưởng sản xuất với dây chuyền khép kín, được đầu tư 350 triệu đồng, trong đó vốn ngân hàng hơn một nửa. Sau năm tháng chuẩn bị, nhà máy ép dầu bắt đầu hoạt động.
Nhưng những mẻ dầu đầu tiên bị thất bại. Hơn một tấn lạc trị giá 25 triệu đồng và 2 tấn vừng đen 110 triệu đồng thành phế phẩm. “Tôi bị sốc nặng vì suy nghĩ ép dầu đơn giản, cho lạc, vừng vào máy vận hành thì dầu tự chảy ra. Nhưng thực tế ép dầu đòi hỏi kỹ thuật”, anh kể. Để có tiền mua nguyên liệu, anh nhờ người thân cầm sổ đỏ vay ngân hàng.
Là dân kỹ sư am hiểu về cơ khí, quy trình vận hành máy nên anh mày mò tìm hiểu. Các lần sau anh tự khắc phục lỗi và cho ra sản phẩm như kỳ vọng. Bình quân một tạ lạc khô sau khi ép cho 35 lít dầu, một tạ vừng đen 40 lít. Các sản phẩm này được kiểm nghiệm và công bố chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Sau hai năm hoạt động, anh Huệ chuyển nhà máy đến xã Tam Ngọc, TP Tam Kỳ. Về nguyên lý, dầu anh sản xuất tương tự dầu người dân ép thủ công. Nó chỉ khác là dầu được sử dụng máy lọc công nghệ châu Âu, lắng cặn tự nhiên nên cho sản phẩm nguyên chất sạch, đồng đều hơn. Mỗi chai dầu có màu vàng óng tự nhiên.
Nhằm hướng đến thị trường toàn quốc, anh Huệ lập trang web quảng bá, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và tham gia các hội chợ. Anh cũng đến các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, thuyết phục họ cho gửi và tiêu thụ hàng. Hiện dầu lạc, dầu vừng của Bảo Tâm được công nhận tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Giá dầu lạc 168.000 đồng, dầu vừng 450.000 đồng một lít. Mỗi năm, hợp tác xã sản xuất khoảng 20.000 lít dầu lạc, hơn 30.000 lít dầu mè đen, doanh thu hơn 2,5 tỷ đồng; tạo việc làm cho bốn người, thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng tháng. Cơ sở đạt chứng nhận hợp tác xã điển hình tiên tiến năm 2020-2021, giải khuyến khích hội thi Hợp tác xã tiêu biểu khu vực miền Trung – Tây Nguyên tháng 5/2022.
Từ bỏ nghề kỹ sư thiết kế ôtô, anh Huệ chia sẻ sau 5 năm cảm thấy đã làm được nhiều thứ, sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo hướng chế biến sâu để cung cấp cho thị trường cao cấp. “Mấy năm nay, tình hình kinh tế rất khó khăn, nhưng mình luôn giữ tinh thần lao động nghiêm túc, trách nhiệm, sản xuất, kinh doanh bằng sự tử tế để tạo ra sản phẩm ngày càng chất lượng”, anh chia sẻ.
Mục tiêu của anh Huệ là “phủ sóng” sản phẩm đến các thành phố lớn trên cả nước và tiếp cận thị trường Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan. Ngoài dầu lạc, vừng, cơ sở sẽ mở rộng chế biến dầu gấc, dừa, mắc ca, óc chó để đa dạng sản phẩm, tăng thu nhập. Cơ sở sẽ liên kết với nông dân để phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp.